Giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng

20/10/2021 10:47

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn hơi ở mức thấp đã khiến người chăn nuôi lợn lỗ nặng, nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng.


Nguồn cung thịt lợn dồi dào cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến giá thịt lợn giảm mạnh

Mất hàng triệu đồng/con lợn

Trang trại của anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đang nuôi khoảng 300 con lợn thịt với trọng lượng trung bình 1,2-1,3 tạ/con. Cách đây khoảng 1 tháng anh đã bán hơn 100 con với giá 46.000 đồng/kg. Trong vòng 1 tháng, giá lợn hơi đã giảm mạnh, cách đây vài ngày, anh bán 50 con, tổng trọng lượng 6 tấn với mức giá 34.000 đồng/kg. Với giá bán này, anh Học lỗ khoảng 1,5 triệu đồng mỗi con. Theo anh Học, do trang trại của anh chủ động sản xuất được con giống nên không lỗ nhiều bằng những hộ chăn nuôi, trang trại phải mua lợn giống. 

Ông Nguyễn Văn Hơn ở xã Tân Tiến (Gia Lộc) vừa xuất bán hơn chục con lợn thịt với trọng lượng khoảng 1,2-1,3 tạ/con. Trước đó, ông Hơn mua lợn giống đúng vào lúc đắt với mức giá 2,1-2,4 triệu đồng/con nên hiện nay bán ra bị lỗ gần 2 triệu đồng/con. Theo ông Hơn, giá lợn hơi giảm sâu do nguồn cung dồi dào. Thời điểm giá lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg, rồi giảm xuống còn 47.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi có lợn đến kỳ xuất bán nhưng lại có tâm lý chờ đợi giá lên. Khi giá lợn hơi trên đà giảm, nhiều hộ bắt đầu lo lắng dẫn đến tình trạng xuất chuồng ồ ạt khiến giá lợn ngày càng giảm sâu.

Hiện giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Nguyên nhân giá thịt lợn thấp như hiện nay là do nhu cầu tiêu thụ đang ở mức thấp. Trong khi đó, lượng thịt lợn tồn đọng ở các trang trại, gia trại nhiều. Dù nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng biện pháp phòng chống dịch nhưng do nhiều bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú tại các đơn vị, doanh nghiệp, trường học chưa hoạt động trở lại, trong khi đây là những nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nên không kéo giá lợn hơi tăng lên được.

Nuôi cầm chừng


Gần 20 năm chăn nuôi, trải qua nhiều biến động nhưng ông Đào Văn Nho ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) đánh giá thời điểm này rất khó khăn với các hộ chăn nuôi lợn. Từ năm 2019 trở về trước, cả xã có gần 100 hộ chăn nuôi lợn nhưng nay chỉ còn khoảng 10 hộ. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều bị dịch tả lợn châu Phi "càn quét", chỉ còn lại các trang trại đủ điều kiện chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn sinh học. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, giá các loại vaccine cũng tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước khiến chi phí chăn nuôi tăng cao. Cùng với đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương, dịch vụ ăn uống hoạt động cầm chừng nên các trang trại không tái đàn mạnh như trước. "Ngành chăn nuôi cần đầu tư lớn nhưng lại tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ. Do vậy, chúng tôi lựa chọn phương án an toàn là duy trì, ổn định sản xuất, không mở rộng quy mô", ông Nho nói.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho biết nhiều khả năng giá lợn hơi sẽ tăng vào dịp giáp Tết Nguyên đán nhưng không tăng đột biến. Dự báo khoảng giữa năm 2022, giá thịt lợn mới có thể tăng trở lại. Vì vậy, nhiều chủ trang trại chỉ nuôi ở mức duy trì, các trang trại quy mô nhỏ buộc phải "đóng chuồng" do không còn đủ sức để gánh thêm chi phí.

Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn lợn thịt trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 226.800 con, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nguồn cung thịt lợn trong tỉnh và các địa phương khác dồi dào.

TRANG HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng