Giá lên và những hệ lụy

30/11/2010 14:20

Nguyên nhân giá cả hàng hóa tăng do nhiều yếu tố: do tác động từ thịtrường thế giới; do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng; do đầu cơ; donăng lực sản xuất và phân phối hạn chế; do tác động tâm lý...

Theo quy luật thông thường cứ đến cuối năm giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường lại tăng khiến đa số người dân phải mua hàng với giá đắt. Năm nay cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên thời gian qua, thị trường nhiều loại hàng hóa đã có những biến động thái quá.

Thị trường vàng "điên đảo". Có ngày giá vàng tăng hàng triệu đồng/lượng.

Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường cũng cực "nóng". Giá một lô đất có thể tăng tới 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm trước.Giá USD trên thị trường biến động mạnh...

Với đa số người dân thì sự biến động của các thị trường vàng, đất đai, ngoại tệ họ còn đứng ngoài cuộc. Nhưng sự biến động của các "thị trường nhà giàu" nêu trên đã tác động không nhỏ tới tâm lý của đại bộ phận quần chúng và gián tiếp làm tăng giá các loại hàng hóa khác.

Bây giờ ra chợ thấy cái gì cũng lên giá. Từ mớ rau, con cá, cân gạo, quần áo chống rét, đồ điện..., tất tần tật đều lên giá. Giá gas, sữa tăng rất mạnh. Giá hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm… diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã tăng 2,38% so với tháng 10. Những người dân nghèo đang thấy mình bị nghèo hơn vì thu nhập chưa tăng lên mà số tiền đang có chỉ mua được số lượng hàng hóa giảm dần.

Khi giá hàng hóa tăng thì hầu hết người dân bị thiệt. Ngay cả những người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa cũng bị thiệt. Bởi giá vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển cũng tăng... Đối với hàng nông sản thì việc tăng giá chủ yếu xuất hiện ở trong khâu lưu thông. Như vậy, người nông dân rất ít được hưởng lợi từ tăng giá.

Nguyên nhân giá cả hàng hóa tăng do nhiều yếu tố: do tác động từ thị trường thế giới; do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng; do đầu cơ; do năng lực sản xuất và phân phối hạn chế; do tác động tâm lý...

Để kiềm chế sự tăng giá, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp bình ổn thị trường. Coi việc tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các nơi không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết là nhiệm vụ hàng đầu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, cây trồng… Thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, ổn định khi có biến động giá cả. Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với các đơn vị phân phối để tiêu thụ, đáp ứng hàng hóa đều khắp các địa bàn. Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên vẫn ít đi vào cuộc sống. Ở nhiều nơi, thị trường vẫn bị thả nổi mặc cho giá tăng. Thị trường nông thôn rộng lớn, nơi có nhiều người tiêu dùng nghèo, lại ít được quan tâm nhất.

Thời gian tới, việc kiểm soát tăng giá, bình ổn thị trường phải được tăng cường hơn.

NGUYỄN LƯU THANH XUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lên và những hệ lụy