Giá điện tăng, khách hàng lo lắng

28/03/2019 09:20

Từ ngày 20.3, giá điện tăng thêm 8,36% làm cho khách hàng, nhất là những doanh nghiệp (DN) tiêu thụ điện lớn lo lắng khi hằng tháng phải chi trả thêm một khoản không nhỏ.


Nhiều doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết giảm điện để giảm chi phí đầu vào của sản phẩm

Khối sản xuất bị ảnh hưởng mạnh

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công thương đã 3 lần điều chỉnh tăng giá điện. Năm 2015 tăng 7,5%, năm 2017 tăng 6% và năm nay tăng 8,36% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Mức tăng này đã tác động lớn đến chi phí đầu vào của DN. Theo tính toán của đại diện Công ty CP Trúc Thôn (TP Chí Linh), để sản xuất được 1 m2 gạch men phải mất khoảng 3 kWh điện, tương đương gần 6.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty chỉ lãi 500 đồng/m2 gạch. Với giá điện tăng như hiện nay, công ty phải chi trả thêm trên 500 đồng tiền điện cho 1 m2. Như vậy, chi phí đầu vào và giá bán ra sẽ tương đương nhau, DN không có lãi.

Theo quy luật, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, DN, người sản xuất sẽ phải tăng giá bán để bù vào chi phí sản xuất. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các DN thường ký hợp đồng dài hạn để ổn định kế hoạch sản xuất, kinh doanh nên việc ngay lập tức điều chỉnh giá bán sẽ khó thực hiện. "Để bảo đảm có lãi, chúng tôi sẽ đàm phán với khách hàng tăng giá bán cho phù hợp với thực tế. Song việc này cũng không dễ thực hiện khi khách hàng đã xây dựng kế hoạch của họ từ trước đó rồi", ông Trần Văn Dũng, Trưởng Phòng Hành chính Công ty CP Trúc Thôn cho biết.

Tăng giá điện tác động đến các DN sản xuất trong nước nên trên mặt bằng chung việc cạnh tranh sẽ không làm cho các DN lo ngại. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, ngoài sản phẩm của DN trong nước còn nhiều sản phẩm cùng loại được nhập từ nước ngoài. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Đá mài Hải Dương cho biết những năm qua, giá bán các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường nước ta khá ổn định. Với việc tăng giá điện lần này, nếu công ty không tăng giá bán sẽ không thể bù nổi chi phí đầu vào, còn tăng giá sẽ không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu. Đây là bài toán khó, DN hiện chưa có phương án giải quyết.

Với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, ngoài khoản phải trả thêm do tăng giá điện, người dân lo ngại giá điện sẽ tác động đến giá các mặt hàng khác. Bà Nguyễn Thị Huệ ở phố Bình Minh (TP Hải Dương) chia sẻ: "Mỗi tháng gia đình tôi dùng hết 400.000-450.000 đồng tiền điện. Giá điện tăng, tôi phải trả thêm khoảng 80.000 đồng/tháng. Nhưng điều đáng lo hơn là các mặt hàng sẽ "té nước theo mưa" mà tăng giá bán".

Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp tiết kiệm điện

Tăng giá điện là một tất yếu khi thời gian qua các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất điện như than, dầu khí, tỷ lệ chênh lệch tỷ giá đều tăng. Việc tăng lần này, giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhóm khách hàng, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng điện. Trong đó, nhóm khách hàng sản xuất xi măng, luyện, cán thép... ảnh hưởng nhiều nhất.

Để giảm chi phí đầu vào, bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt diễn ra ổn định, nhiều DN đã thực hiện triệt để, đồng bộ các biện pháp tiết kiệm điện. Ngoài nghiên cứu, thay thế máy cũ bằng máy mới, tiêu hao ít điện năng, các đơn vị còn tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân trong sử dụng điện tiết kiệm. Nhiều đơn vị đã đưa tiết kiệm điện là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua. Là DN sản xuất xi măng lớn của tỉnh, hằng năm sử dụng hàng triệu kWh điện nên tiết kiệm điện luôn được Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, đưa thêm các máy móc tiêu hao ít năng lượng vào sử dụng, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất vào giờ thấp điểm, khuyến khích bộ phận văn phòng sử dụng các thiết bị điện hợp lý.

Những năm qua, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được các cấp, các ngành đẩy mạnh phần nào đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Rất nhiều người đã tự trang bị cho mình các kiến thức về tiết kiệm điện và áp dụng có hiệu quả vào thực tế. Bà Phạm Thị Thân ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) cho biết: "Gia đình tôi có thói quen rút phích cắm các thiết bị như quạt, ti vi, sạc điện thoại, tắt bình nóng lạnh ngay sau khi sử dụng xong. Đối với điều hòa, gia đình tôi luôn để 26 độ C và dùng thêm quạt... Với các biện pháp như vậy, gia đình tôi đã tiết kiệm một khoản tiền điện đáng kể".

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, trong bối cảnh giá điện tăng như hiện nay, việc tiết kiệm điện cần được khách hàng thực hiện nghiêm túc. Với khách hàng là DN cần tiết kiệm điện trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến khối văn phòng. Rà soát, nắm bắt các bộ phận tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng điện năng chưa hợp lý để đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Người dân cũng cần nâng cao kiến thức về tiết kiệm điện, chủ động thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều điện bằng những thiết bị tiết kiệm... 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện tăng, khách hàng lo lắng