Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ lần đầu tiên rơi xuống mức âm. Pháp ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong, trở thành quốc gia thứ 4 ghi nhận con số như vậy.
Giá dầu WTI ở Mỹ rơi xuống mức -37,63/thùng. Ảnh: AP |
Rạng sáng 21.4 (giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63/thùng, lần đầu tiên rơi xuống mức giá âm (dưới 0 USD/thùng). Đây là mức giá thấp nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983, theo Đài CNN.
Theo Hãng tin Bloomberg, nguyên nhân vì COVID-19 ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới, có quá nhiều dầu không được sử dụng và các công ty năng lượng Mỹ đã hết chỗ chứa dầu.
Pháp: Quốc gia thứ 4 trên thế giới vượt 20.000 ca tử vong
Ngày 20.4, Pháp ghi nhận thêm 547 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 20.265. Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong do COVID-19, bên cạnh Mỹ, Ý và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, số người được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt đã giảm đi ngày thứ 12 liên tiếp, cho thấy lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng cách đây hơn 1 tháng đang có hiệu quả trong việc ngăn chặn COVID-19. Pháp hiện ghi nhận tổng cộng 155.383 ca nhiễm.
Bang New York có số ca tử vong thấp nhất từ đầu tháng 4
Bang New York của Mỹ ngày 20.4 ghi nhận số ca tử vong mới do COVID-19 thấp nhất kể từ đầu tháng 4 và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut.
Tại bang New York, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347 trường hợp.
Kể từ ngày 20.4, bang New York bắt đầu thực hiện một nỗ lực đầy tham vọng: Xét nghiệm kháng thể cho 3.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên. Các xét nghiệm này và thêm các xét nghiệm tiếp theo được kỳ vọng sẽ cho New York một cái nhìn đầy đủ về dịch bệnh và giúp đưa ra các quyết định về nới lỏng hạn chế.
Ngày 20.4, Thống đốc bang New York của Mỹ, ông Andrew Cuomo nói rằng ông hiểu được tại sao một số người đi biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế đang được áp đặt, nhưng khẳng định các hạn chế phải được dỡ bỏ theo một cách ngăn được dịch lây lan thêm.
"Không ai không đồng ý rằng chúng ta đều muốn thoát khỏi tình hình này. Không ai cả! Các bạn không cần biểu tình để thuyết phục bất kỳ ai ở quốc gia này rằng chúng ta phải quay trở lại làm việc, tiếp tục mở nền kinh tế và chúng ta phải đi ra khỏi nhà", ông Cuomo nói.
Tuyên bố của ông Cuomo được đưa ra sau khi người biểu tình tụ tập tại một số bang của Mỹ để yêu cầu chấm dứt các biện pháp hạn chế buộc người dân ở lại trong nhà. Thêm nhiều cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trong tuần này.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Thống đốc Andrew Cuomo sẽ đến thăm Nhà Trắng ngày 21.4 (giờ Mỹ) để thảo luận về phản ứng với COVID-19. Trước đó ông Trump đã có bất đồng với thống đốc các bang về việc mở lại nền kinh tế. Ông Cuomo thậm chí tuyên bố: "Chúng ta không có vua".
Iran dần mở cửa trở lại
Iran ghi nhận thêm 91 ca tử vong mới do COVID-19 trong ngày 20.4, trong khi Chính phủ nước này đã cho phép thêm nhiều hoạt động kinh tế được nối lại sau khi tiến hành mở cửa dần dần trong 10 ngày qua.
Iran đã đóng cửa tất cả hoạt động kinh tế không thiết yếu từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu nước này cho rằng nền kinh tế không thể cứ tiếp tục bị đóng cửa, và Tổng thống Hassan Rouhani đã cho phép một số ngành kinh doanh mở lại từ hôm 11.4.
Các cửa hàng và các khu chợ là những nơi mới nhất được phép mở lại. Dẫu vậy, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour đã kêu gọi người dân giữ cảnh giác. "Với một số ngành kinh doanh mở lại, việc tuân thủ các nghi thức y tế và giãn cách xã hội trở nên cần thiết hơn" - ông nói.
Tính đến 6 giờ ngày 21.4, toàn cầu có 2.479.667 ca nhiễm COVID-19, 170.363 người tử vong, 645.810 ca bình phục.
Theo Tuổi trẻ