Giá dầu tăng nhưng vẫn... lo

14/04/2020 13:04

Rạng sáng 13.4 (giờ Việt Nam), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận lịch sử cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu từ tháng 5 đến tháng 6.2020.


Các thùng dầu tại Fujairah, UAE - Ảnh: Bloomberg

Tín hiệu tích cực này khiến giá dầu thế giới tăng. Tính tới 12 giờ trưa 13.4, giá hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 4,1% lên 32,77 USD/thùng, trong khi dầu West Texas Intermediate của Mỹ tăng 4,4% lên 23,77 USD/thùng.

Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này không thể dẹp yên mối lo nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh từ virus Corona chủng mới (COVID-19).

4 ngày đàm phán giằng co

Thỏa thuận mà OPEC+ vừa đạt được tưởng chừng bên bờ vực đổ vỡ sau khi vấp phải sự phản đối của Mexico. Nút thắt này sau đó được tháo gỡ nhờ sự can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Điện Kremlin ngày 12.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Salman của Saudi Arabia - lãnh đạo 3 quốc gia dầu mỏ hàng đầu thế giới - đều ủng hộ thỏa thuận mới của OPEC+. Tổng thống Trump cũng ca ngợi thành công này, dự đoán thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sẽ cứu việc làm trong ngành năng lượng của Mỹ.

"Đây là những biện pháp chưa có tiền lệ cho những giai đoạn chưa từng có. Chưa bao giờ trong các cuộc đàm phán lịch sử về cắt giảm nguồn cung, Mỹ lại đóng vai trò then chốt trong quá trình trung gian giữa Saudi Arabia và Nga để dẫn tới thỏa thuận chung của OPEC+" - ông Ed Morse, người đứng đầu mảng nghiên cứu hàng hóa của Citigroup, nhận xét.

Mexico cũng đạt được chiến thắng ngoại giao quan trọng khi bảo vệ được đề xuất cắt giảm 100.000 thùng/ngày, ít hơn nhiều so với mức 400.000 thùng/ngày OPEC+ đề nghị. Thế nhưng những gì Mexico đạt được cũng đi cùng với dự báo về tương lai bất ổn trong nội bộ OPEC+, khi quốc gia này được dự đoán có thể đưa ra quyết định rời khối trong vòng 2 tháng tới, theo Hãng tin Bloomberg.

Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tiếp tục tình nguyện giảm thêm so với thỏa thuận, đưa tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên mức 12,5 triệu thùng/ngày. Trên giấy tờ, Mỹ, Brazil và Canada cam kết sẽ cắt giảm thêm 3,7 triệu thùng/ngày, trong khi các nước G20 khác sẽ giảm 1,3 triệu thùng/ngày.

Phó chủ tịch IHS Markit Daniel Yergin nhận định thỏa thuận OPEC+ vừa đạt được đã giúp ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới cùng các nền kinh tế và nhiều ngành nghề khác phụ thuộc vào nó tránh được một cuộc khủng hoảng sâu rộng.

"Điều đó giúp kiềm chế lượng tồn kho đang ngày một tăng cao, giảm gánh nặng lên giá thành khi mọi thứ trở về bình thường" - ông Daniel Yergin nói.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng đây không phải những biện pháp tự nguyện, mà đúng hơn là những phản ứng với mức giá đã giảm sâu hiện nay. Việc hạ thấp nguồn cung có thể mất nhiều tháng, hoặc hơn 1 năm, để phát huy tác dụng.

Nhu cầu sụt giảm "rất đáng sợ"

Dù thỏa thuận lịch sử của OPEC+ được xem là tín hiệu tốt với thị trường, giới chuyên gia cho rằng những tiến triển nhỏ trong giá dầu cho thấy động thái hạn chế nguồn cung của các quốc gia dầu mỏ lớn vẫn chưa thể lấp đầy khoảng cách với nhu cầu giảm sâu. Và với đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình này có thể còn trầm trọng hơn.

Giới quan sát lưu ý thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1.5 sẽ cho phép các nước thuộc OPEC+ "thoải mái" bơm thêm dầu vào thị trường trong vòng 3 tuần nữa. Tập đoàn Goldman Sachs gọi thỏa thuận cắt giảm này là "một chút muộn màng".

Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận xét điều này cuối cùng chỉ cho thấy "không một cắt giảm tự nguyện nào đủ để giải quyết mức thâm hụt 19 triệu thùng/ngày trong nhu cầu ở giai đoạn tháng 4-5 vì virus Corona chủng mới".

Bản thân OPEC cũng nhìn nhận thách thức trên, khi đưa ra lời cảnh báo dành cho bộ trưởng các nước thành viên rằng vấn đề nhu cầu sụt giảm "rất đáng sợ".

"Nhu cầu đã giảm gấp đôi so với thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày. Và chúng ta mất quá nhiều thời gian để thu xếp vấn đề với Mexico, điều này ảnh hưởng đến uy tín của khối" - nhà phân tích trưởng về dầu mỏ của Hãng tư vấn Energy Aspects, bà Amrita Sen, cho biết.

Giới chuyên gia cảnh báo việc nhiều chính quyền trên toàn cầu đã và đang cân nhắc kéo dài hạn chế đi lại cũng như các biện pháp giãn cách xã hội (social distancing) có thể tiếp tục làm nhu cầu sụt giảm thêm, lèo lái thị trường theo hướng xấu hơn.

Ông Trump: "Thỏa thuận tuyệt vời"

Sau khi thỏa thuận được chốt hạ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13.4 đã gửi lời chúc mừng OPEC+ trên trang Twitter cá nhân: "Thỏa thuận dầu mỏ lớn với OPEC+ đã xong. Đây sẽ là thứ cứu hàng trăm ngàn công việc trong ngành năng lượng của Mỹ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn và chúc mừng tới Tổng thống Putin của Nga và Quốc vương Salman của Saudi Arabia. Tôi vừa nói chuyện với họ từ phòng Bầu dục. Thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả!".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá dầu tăng nhưng vẫn... lo