Giả danh cán bộ pháp luật để lừa đảo

11/10/2020 17:00

Thời gian qua, nhiều người dân ở tỉnh Hải Dương đã bị một số đối tượng giả danh cán bộ công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Đối tượng Ngô Gia Thứ tại cơ quan công an 

Mất tiền tỷ

Mặc dù sự việc diễn ra nhiều tháng nay, nhưng những người bị hại vẫn không khỏi bức xúc vì không rõ từ đâu bọn tội phạm giả danh cán bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân biết được số điện thoại di động của mình để gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người ít thì mất vài chục triệu đồng, người nhiều mất cả tỷ đồng.          

Một ngày cuối tháng 3.2020, chị Đ.T.M. ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) nhận được cuộc gọi thông báo có bưu phẩm gửi từ Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Sau đó, một người gọi cho chị M., tự xưng là thiếu tá Đặng Xuân Cường, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội. Hắn đọc quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và yêu cầu chị M. có mặt tại tòa ngay trong ngày. Lý do tên Cường đưa ra là chị M. bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi kiện vì chưa thanh toán số nợ hơn 45 triệu đồng. Tiếp đó, một tên khác tự xưng Võ Thành Nam, cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gọi điện thông báo chị M. có 8,6 tỷ đồng trong tài khoản của Ngân hàng TMCP Bắc Á và đọc lệnh bắt khẩn cấp chị vì có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền do Giám đốc của ngân hàng này cầm đầu. Qua Zalo, tên Nam gửi cho chị M. hai quyết định bắt tạm giam khẩn cấp và niêm phong tài sản. 

Nghe các cuộc trao đổi qua điện thoại, chị M. một mực kêu oan vì bản thân không hề liên quan gì đến những nội dung như các đối tượng đã nói. Đưa ra lý do để giám sát tài sản, tên Nam yêu cầu chị M. chuyển 440 triệu đồng vào tài khoản của một chánh án tên Phan Văn Hiền, chụp lại biên lai gửi tiền để làm chứng cứ niêm phong tài sản trong quá trình điều tra. Đối tượng nói sẽ trả lại tiền nếu kết quả điều tra chị M. không vi phạm. Do sợ hãi, bối rối, chị M. thực hiện đầy đủ các yêu cầu của bọn tội phạm, sau đó mới biết mình bị lừa.

Cũng với thủ đoạn tương tự, vào tháng 10.2019, anh Đ.T.Đ. ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã bị lừa mất 1,5 tỷ đồng. Sau khi không liên hệ lại được với các đối tượng, biết mình bị lừa, anh Đ. đã đến trình báo cơ quan công an.

Sắp đặt như kịch

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi, với những đòn đánh tâm lý bài bản. Chúng thường hoạt động theo nhóm, sử dụng số điện thoại có đầu +89, +34, 006... liên lạc với nạn nhân. Khởi đầu mỗi phi vụ, chúng phân công một tên giả làm nhân viên của một số cơ quan gọi điện thoại thông báo người dân nợ tiền cước viễn thông hoặc nợ tiền trong thẻ tín dụng ngân hàng. Sau đó, chúng nối máy cho người bị hại gặp tên khác trong nhóm giả danh là cán bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân để thông báo có liên quan đến các vụ án hình sự nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân phải khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động. Chúng đọc, gửi các lệnh bắt tạm giam, quyết định truy nã... khiến người bị hại rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ. Khi đạt được mục đích cuối cùng là nhận tiền của người bị hại, chúng nhanh chóng cắt liên lạc.

Không chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội, không ít đối tượng còn giả danh cán bộ công an trực tiếp đi lừa đảo. Ngày 14.9 vừa qua, Công an thị xã Kinh Môn phối hợp với Công an phường Long Xuyên triệu tập Ngô Gia Thứ (26 tuổi, ở xã Tuấn Việt, Kim Thành) về trụ sở làm việc để xác minh, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, Thứ khai từ năm 2019 đến khi bị bắt, hắn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của nhiều gia đình ở một số phường, xã của thị xã Kinh Môn. 

Để tạo được lòng tin, gây dựng hình ảnh, từ các mối quan hệ sẵn có, Thứ đã dành nhiều thời gian lân la nắm bắt tình hình. Hắn tự xưng mình là Ngô Gia Bình đang công tác tại một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Nhằm tạo vỏ bọc như cán bộ Công an thật, Thứ mua sắm trang phục, thiết bị, đồ dùng của lực lượng công an như quần áo, giầy, tất, bộ đàm, khóa số 8, mũ kê pi, 1 vật dạng súng ngắn màu đen... Hắn tiếp cận và cam kết bằng uy tín, quan hệ sâu rộng của mình sẽ lo được các việc cho người dân trong giao dịch dân sự như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, các thủ tục khác, thậm chí cả việc gia đình có người thân phạm tội. Nhiều người dân tin tưởng đưa tiền để Thứ lo lót. Lấy được tiền của người dân, Thứ chi tiêu cá nhân hết và không thực hiện việc như đã hứa.

Cơ quan công an cũng như Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân không trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang danh nghĩa cá nhân, không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Người dân không thực hiện bất cứ yêu cầu nào về chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Khi có việc cần giải quyết nên đến cơ quan chức năng của địa phương để được tư vấn, xử lý, không nhờ vả, đưa tiền cho người mà chưa nắm rõ nhân thân, đơn vị công tác. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giả danh cán bộ pháp luật để lừa đảo