Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013.
Cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê sáng 27-6 - Ảnh: C.V.K
Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, trong đó quý 1 tăng 5,09%, quý 2 tăng 5,25%, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,06%; khu vực dịch vụ đóng góp 2,57%.
Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 69,6 tỉ USD. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước đạt 20,4 tỉ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 (nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 6 tháng qua ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 21,2%).
Trong tháng 6-2014, Việt Nam nhập siêu khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu và lượng xuất siêu 6 tháng đầu năm là 1,3 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng TCTK - kinh tế Việt Nam 6 tháng có khó khăn nhưng khả quan, tăng trưởng tốt trong 6 tháng. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã phản ảnh sự phục hồi, thoát đáy của kinh tế VN. Tuy nhiên, dù đã có tín hiệu vui nhưng Việt Nam cũng đã thấy những thách thức mới. Như sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan, theo ông Lâm, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.
TCTK đã có tính toán và thấy nhập khẩu Việt Nam phụ thuộc khá nhiều Trung Quốc, như nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 25% tổng nhập khẩu của VN. Đặt giả thiết quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngưng trệ, Việt Nam không tìm được nguồn thay thế thì GDP của VN có khả năng sẽ giảm tới khoảng 10%.
“Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không ngồi yên và khó có khả năng xảy ra tình trạng như thế vì chúng ta luôn vận động. Như Việt Nam đã làm việc với Ấn Độ để tìm nguyên liệu dệt may. Và thay vì xuất vải sang Trung Quốc, ta đang tìm đường xuất sang Hàn Quốc”, ông Lâm nói.
C.V.KÌNH (Tuổi trẻ)