Các vụ đụng độ dữ dội giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine xảy ra trong hai ngày cuối tuần vừa qua tại Dải Gaza, khiến khoảng 320 người Palestine thương vong.
Tình trạng bạo lực bùng phát khiến dư luận quốc tế lo ngại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông sẽ ngày càng khó khăn.
Bạo lực bùng phát trong những ngày cuối tuần qua ở Dải Gaza khiến dư luận quốc tế lo ngại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông
Đụng độ dữ dội
Ðụng độ lần này tại Dải Gaza xảy ra đúng dịp đánh dấu 43 năm “Ngày Đất đai” của người Palestine - một ngày vùng lên của người dân nơi đây chống lại hành vi chiếm đất từ Israel. Không những vậy, các cuộc tuần hành dẫn đến đụng độ vào cuối tuần vừa qua còn diễn ra trong bối cảnh tròn 1 năm người Palestine phát động chiến dịch “Hành trình trở về vĩ đại” (ngày 30.3.2018-30.3.2019).
Trong vòng 1 năm qua, tại Gaza vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành vào dịp cuối tuần nhằm thể hiện tiếng nói của người Palestine nói chung và người dân tại Dải Gaza nói riêng, yêu cầu chấm dứt mọi sự phong tỏa của Israel đối với khu vực có khoảng 2 triệu người dân sinh sống này, đồng thời hi vọng những người Palestine từng tha hương có quyền được trở lại vùng “đất mẹ”. Tuy nhiên, chính phủ Israel cũng tiến hành nhiều hành động nhằm đối phó và giảm thiểu tình hình căng thẳng và bạo lực tại Gaza trong một năm qua, như nhiều lần đóng cửa khẩu với Gaza, không kích các vị trí của phong trào Hamas, khiến cuộc sống của người dân Gaza gặp nhiều khó khăn, với tình trạng thất nghiệp và đói nghèo gia tăng. Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, những căng thẳng bùng phát tại Dải Gaza sau những cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel đã khiến ít nhất 16 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. Con số thương vong lớn đến nỗi Palestine phải tuyên bố ngày 31.3.2018 là Ngày Quốc tang của Palestine.
Kể từ đó đến nay, theo thống kê của giới chức y tế Gaza, các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine trong các cuộc biểu tình gần hàng rào biên giới giữa Israel với Gaza đã khiến khoảng 260 người Palestine thiệt mạng và 260.000 người khác bị thương.
Riêng trong ngày 30-3 vừa qua, khoảng 40 nghìn người Palestine đã tụ tập tại một số địa điểm ở khu vực biên giới dải Gaza để tổ chức biểu tình. Người biểu tình đã ném đá, đốt lốp xe trước hàng rào an ninh, ném lựu đạn và các thiết bị nổ vào hàng rào. Những căng thẳng giữa người Palestine và quân đội Israel đã biến thành đụng độ. Cơ quan Y tế tại dải Gaza cho biết, đã có ít nhất 4 người Palestine chết và 316 người bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại miền Đông Gaza, giáp biên giới Israel. Các nạn nhân gồm 3 thanh niên 17 tuổi và một thanh niên 20 tuổi. Trong số người bị thương có 64 người trúng đạn và nhiều người bị ảnh hưởng bởi hơi cay.
Đáng chú ý là trước đó, dưới sự trung gian của Ai Cập, một thỏa thuận ngừng bắn đã có hiệu lực từ 22 giờ ngày 25.3, song các vụ tấn công giữa Israel và các tay súng ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn. Không những vậy, ngay sau khi kết thúc các cuộc biểu tình quy mô lớn tại khu vực Gaza, ngày 31.3, quân đội Israel còn cáo buộc Phong trào Hamas, lực lượng hiện đang kiểm soát dải Gaza, đã phóng 5 quả rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel khiến Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phải nã pháo vào các mục tiêu quân sự của phong trào Hamas để đáp trả, tuy nhiên không có thương vong trong các vụ khai hỏa này.
Phản ứng trước tình hình trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Israel và Hamas cần hết sức kiềm chế sau những căng thẳng trên Dải Gaza. Liên hợp quốc kêu gọi ngăn chặn lực lượng an ninh Israel tiếp diễn các hành động bạo lực đối với người biểu tình Palestine tại Dải Gaza. Điều phối viên nhân đạo Liên hợp quốc James McGoldrick cũng kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn chiều hướng khiến tình hình trở nên tồi tệ. Ông McGoldrick nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là bảo vệ mạng sống của người dân Palestine, đồng thời yêu cầu Israel tuân thủ các quy định pháp lý quốc tế, sử dụng các phương tiện phi bạo lực tới mức tối đa khi giải tán người biểu tình Palestine. Ngoài ra, điều phối viên LHQ cũng yêu cầu lực lượng Hamas kiềm chế những hành động bạo lực có thể làm tổn hại tới bản chất hòa bình của các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, lý giải cho việc sử dụng vũ lực đối với người Palestine, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố các binh sĩ Israel đã giải quyết bằng "những biện pháp giải tán bạo động". Đáp trả lực lượng Hamas, máy bay chiến đấu của Israel cũng đã dội bom xuống một số cơ sở quân sự của Hamas ở phía Đông và Bắc Dải Gaza.
Mảnh đất luôn ẩn chứa những bất ổn
Trong lịch sử, Dải Gaza là vùng đất thiêng liêng đối với cả người Palestine và người Israel, do đó nó luôn là một trong những căn nguyên chính gây ra các cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine. Đây là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía Tây Nam và Israel ở phía Bắc và phía Đông. Về mặt pháp lý, Dải Gaza không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số thuộc loại cao nhất trên Trái đất, với khoảng 2 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km².
Muốn dứt khoát khẳng định chủ quyền, từ đầu những năm 1970, Israel đã dùng chính sách xây các khu nhà định cư, cho phép người Do Thái đến làm ăn, sinh sống dưới sự bảo vệ của quân đội Israel. Trong khi đó, người Palestine cũng kéo đến Gaza để định cư. Và hậu quả là những cuộc đụng độ giữa người Do Thái và người Palestine đã thường xuyên diễn ra, cướp đi bao nhiêu mạng sống của những người dân vô tội của cả hai bên.
Kể từ sau khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas giành thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine (vào năm 2006), từ đó nắm trọn quyền kiểm soát Dải Gaza, thì Israel đã gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men; đồng thời tăng cường hành động bạo lực nhằm vào thường dân Palestine ở Dải Gaza với ý định đánh bật Hamas ra khỏi đây. Cùng với đó, các cuộc đụng độ vũ trang giữa Phong trào Hamas với Israel cũng đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng tại Gaza.
Với việc Phong trào Hamas tấn công rocket vào lãnh thổ Israel ngày 31.3 vừa qua, người ta lo ngại đây có thể sẽ là cái cớ để Israel mở một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Dải Gaza. Thực tế là ngay trước khi lên máy bay, cắt ngắn chuyến thăm Mỹ, trở về Israel (ngày 28.3), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngầm đưa ra lời đe dọa sẽ tiến hành tấn công xâm lược Gaza để đáp trả các vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng Hamas. Thêm vào đó, trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tại Israel, các nhà phân tích cho rằng, rất có thể Thủ tướng Israel Netanyahu đang muốn giành thêm nhiều lá phiếu hơn bằng cách tỏ thái độ cứng rắn đối với các vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng Hamas.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nếu mở cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza lần này, lực lượng chính mà Israel sẽ phải đối đầu vẫn là Hamas. Có điều giờ đây, Hamas không phải là “đối thủ dễ chơi” như trước. Vài năm gần đây, Hamas được cho là đã tích trữ được khối lượng vũ khí lớn. Nếu như ban đầu lực lượng này chỉ chế tạo được tên lửa thô sơ tầm ngắn, thì hiện Hamas đã sở hữu các tên lửa có thể bắn tới mọi nơi ở Israel. Tuy lực lượng Hamas không công khai thông tin chi tiết về khả năng quân sự, song theo ông Dabi Siboni, nhà phân tích quân sự người Israel, Hamas “có nhiều loại vũ khí hiện đại, chính xác và hiệu quả”, bao gồm tên lửa đất đối đất, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai. Những điều này khiến các nhà phân tích lo ngại, tình hình Trung Đông với những mâu thuẫn giữa Israel và Palestine sẽ có nguy cơ ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Đặc biệt, những căng thẳng trên còn đang có nguy cơ bị đẩy lên cao, trong bối cảnh từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông đã có nhiều động thái nhằm thay đổi hiện trạng Trung Đông.
Có thể thấy, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nhiều thay đổi có tính bước ngoặt trong chính sách của Mỹ với các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng gần nửa thế kỷ qua, khiến bạo lực ở Trung Đông có dấu hiệu gia tăng. Có thể kể đến như việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel (hồi tháng 12.2017) và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem (tháng 5.2018), đẩy Israel trở lại xung đột với cộng đồng người Arab. Ngoài ra, Mỹ còn đóng cửa văn phòng đại diện Palestine tại Washington (tháng 9.2018), cắt khoản hỗ trợ cho cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (tháng 8.2018)... Hay như mới đây, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngày 25.3.2018, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan của Syria. Những động thái này khiến cả người Palestine và người Syria đều lo ngại các vùng đất của mình đang bị Israel chiếm đóng sẽ có nguy cơ bị mất vĩnh viễn.
Vì vậy, nhìn chung dư luận đều cho rằng, những bước đi trên của chính quyền Mỹ không khác nào “đổ thêm dầu vào lò lửa” đang ngùn ngụt cháy ở Trung Đông. Nghiêm trọng hơn, những quyết định nói trên còn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua sự chiếm đóng. Đồng thời, những động thái này còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn luôn "căng như dây đàn" giữa người Israel và Palestine, khiến tiến trình hòa bình đang đình trệ ở Trung Đông ngày càng thêm khó khăn.
TRỌNG ĐỨC (TTXVN)