Danh hiệu “Dũng sĩ” trong chiến tranh là mục tiêu phấn đấu của rất nhiều thanh niên trên các mặt trận. Đó là sự ghi nhận, khích lệ lớn để họ có thêm động lực chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Giấy chứng nhận được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt cơ giới", "Dũng sĩ đánh giao thông" của ông Nguyễn Xuân Hiện ở thôn Đồng Lại, xã Quyết Thắng (Ninh Giang)
Người hạ 6 xe tăng địch
Lật từng mảnh giấy đã ngả màu về việc công nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, những ký ức năm tháng chiến đấu lại ùa về trong tâm trí ông Nguyễn Xuân Hiện ở thôn Đồng Lại, xã Quyết Thắng (Ninh Giang).
Tháng 4.1968, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Hiện lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1, là đơn vị bộ binh có nhiệm vụ đánh chặn, phá giao thông, thiết giáp của địch tại mặt trận B5 Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, dọc theo đường 9 - Nam Lào. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa điên cuồng mở các đợt tấn công nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Ông Hiện cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào năm 1971.
Tháng 2.1971, Tiểu đoàn 15 của ông Hiện nhận được lệnh đánh phá cắt giao thông trên tuyến Bồng Kho - Rào Quán. “Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi ngụy trang thành cây cỏ, nằm gần khu vực đường giao thông - nơi địch sẽ hành quân qua. Khi có hiệu lệnh, các anh em sẽ đồng loạt dùng súng DKZ 75 mm bắn tập kích vào đoàn xe cơ giới của Mỹ. Trong trận này, tôi bắn hạ 2 xe tăng của Mỹ. Khi về đơn vị, tôi được thủ trưởng và các anh em bình bầu đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, ông Hiện nhớ lại.
Sau chiến công ấy, ông Hiện tiếp tục tham gia 3 đợt tấn công khác trong chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào năm 1971 của đơn vị, bắn hạ thêm 4 xe tăng nữa. Ông Hiện có 4 lần được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”. Ngày ấy vũ khí của ta so với kẻ địch còn thô sơ, nếu không gan dạ, chấp nhận hy sinh thì khó có thể thắng được kẻ thù. “Mỗi lần nhận nhiệm vụ, chúng tôi đều phải ngụy trang kỹ lưỡng, tiến sát các tuyến đường địch di chuyển. Khi nổ tiếng súng đầu tiên cũng là lúc kẻ địch phát hiện vị trí phục kích nên bọn chúng bắn trả rất ác liệt. Không ít đồng đội của tôi đã hy sinh”, ông Hiện rưng rưng nói.
Theo ông Hiện, lúc đó chiến tranh ác liệt, điều kiện thiếu thốn nên không có lễ tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ”. So theo chỉ tiêu bắn hạ xe cơ giới, thủ trưởng đơn vị gọi lên lều chỉ huy và trao cho tờ giấy bé xíu in dòng chữ “Giấy chứng nhận được tặng danh hiệu dũng sĩ”. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn.
Trận đầu lập công lớn
Ông Nguyễn Văn Nhật ở thôn Đụn, xã Nam Hồng (Nam Sách) cũng từng được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Năm 1965, khi 16 tuổi, ông Nhật nhập ngũ. Sau hơn 3 tháng hành quân ròng rã vào chiến trường Tây Ninh, ông là một trong số ít đồng đội may mắn theo được suốt chuyến hành quân, bởi không ít đồng đội của ông đã hy sinh vì bom đạn, bệnh tật dọc đường. Khi vào tới mặt trận, ông Nhật được biên chế bổ sung cho Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 có nhiệm vụ đánh bại Sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" của quân địch tại mặt trận miền Đông Nam Bộ.
Đầu năm 1968, sau thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến thuật từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”, hòng đẩy các lực lượng của ta ra xa, bảo vệ các đô thị. Lúc này, lực lượng của ta quyết định mở chiến dịch tiến công vào khu vực phòng thủ bên ngoài của kẻ địch thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long. Ông Nhật cùng đồng đội được chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch này. Đêm 17.8.1968, Trung đoàn 3 của ông Nhật nhận nhiệm vụ tiến công cụm quân Mỹ ở Trà Phí cách thị xã Tây Ninh 5 km về phía bắc. Các mũi tiến công của trung đoàn giữ bí mật khi chiếm lĩnh trận địa, lợi dụng lúc pháo bắn để tiếp cận, phát huy tốt các loại hoả khí diệt tăng, diệt lô cốt địch. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Quân Mỹ chết và bị thương hơn 400 tên; 33 xe tăng, xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105 mm và 2 khẩu cối 106,7 mm bị phá hủy. Trong trận mở màn, ông Nhật đã tiêu diệt được 3 tên địch. Với chiến công này, ông được đơn vị tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” hạng 4.
Sau đó, ông Nhật tiếp tục cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt khác. Với tinh thần quả cảm, ông đã đạt nhiều thành tích, được tặng nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Quân giải phóng Việt Nam. Nhưng với ông, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” vẫn là kỷ niệm đẹp nhất trong đời lính của mình. “Thời đó, việc khen thưởng làm rất công minh, tất cả theo quy định về chỉ tiêu tiêu diệt lực lượng địch để được công nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" các hạng. Đồng thời, bình bầu tại các đại đội, sau đó đưa danh sách lên trung đoàn khen thưởng. Vì thế, ngày ấy ai được tặng thưởng danh hiệu này đều rất trân trọng, là niềm vinh dự lớn lao”, ông Nhật nói.
THANH HOA