Gánh nặng chi ngân sách

20/05/2014 04:24

Do tác động của nhiều yếu tố, trong thời gian qua, chi ngân sách địa phương luôn tăng cao so với kế hoạch, gây sức ép không nhỏ lên nhiệm vụ thu trên địa bàn tỉnh.




Chi đầu tư phát triển tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến chi ngân sách vượt dự toán.
Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn ở  thôn Từ Ô, xã Tân Trào (Thanh Miện)


Các cấp đều vượt

Năm 2013, tổng chi ngân sách của huyện Nam Sách là 205 tỷ đồng, vượt 8,8% kế hoạch năm, tăng 12% so với năm 2012. Hầu hết các khoản chi đều vượt kế hoạch như: chi thường xuyên vượt 7,5%, chi sự nghiệp kinh tế vượt 5,3%, chi sự nghiệp văn xã vượt 4,4%, chi chương trình mục tiêu  vượt 45%... Tổng chi ngân sách xã ở huyện này đạt 106,4 tỷ đồng, vượt 53,5% kế hoạch, trong đó chi thường xuyên vượt 18,5%, chi đầu tư phát triển vượt 133,7%. Quý I - 2014, chi ngân sách cấp huyện của huyện Nam Sách là 44,5 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại huyện Thanh Miện, tổng chi ngân sách huyện năm 2013 là 293 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch. Trong khi chi thường xuyên vượt 12% thì chi đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Thanh Miện chỉ đạt 56% kế hoạch do không còn nguồn.

Giống như các địa phương khác trong tỉnh, nhiều năm qua, TP Hải Dương cũng luôn trong tình trạng chi vượt kế hoạch. Năm 2013, tổng chi ngân sách của TP Hải Dương là 576,6 tỷ đồng, vượt 5% dự toán. Trong đó chi sự nghiệp kinh tế tăng 9%, chi văn hóa xã hội tăng 5%, chi an ninh, quốc phòng tăng 93%, chi bổ sung cân đối ngân sách xã, phường tăng 88%... Quý I - 2014, tổng chi ngân sách của TP Hải Dương đạt 208 tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013.

Năm 2013, tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh đạt trên 9.620 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm. Tất cả các lĩnh vực đều chi vượt kế hoạch như: chi đầu tư phát triển vượt 77,1%, chi thường xuyên vượt 17,7%, chi các chương trình mục tiêu trung ương cân đối qua ngân sách địa phương vượt 85,3%... Trong 4 tháng đầu năm 2014, chi cân đối ngân sách địa phương đạt trên 3.100 tỷ đồng, bằng 40,6% dự toán năm, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Đè nặng lên kế hoạch thu

Chi ngân sách luôn tăng trong bối cảnh nguồn thu khó khăn đã đặt gánh nặng lên kế hoạch thu hằng

“Thanh Miện lại là huyện thuần nông nên việc khai thác nguồn thu để bổ sung ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, số thu của huyện Thanh Miện không đủ chi thường xuyên nên các hoạt động chi huyện đều phải trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp trên"

năm. Ông Phạm Văn Hạnh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Miện cho biết, nguyên nhân tăng chi ngân sách hằng năm là do thực hiện các chế độ, chính sách như tăng lương, nâng mức chi cho đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ người trồng lúa theo quyết định của UBND tỉnh. Vì vậy, mặc dù đã thực hiện tiết kiệm, nhưng chi thường xuyên của huyện Thanh Miện vẫn tăng 12% so với dự toán. Chi ngân sách tăng trong khi nguồn thu của huyện thấp khiến công tác điều hành chi gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, thu cân đối chi thường xuyên của huyện Thanh Miện chỉ đạt khoảng 21 tỷ đồng, chưa bằng 12% tổng mức chi thường xuyên của huyện. Thanh Miện lại là huyện thuần nông nên việc khai thác nguồn thu để bổ sung ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, số thu của huyện Thanh Miện không đủ chi thường xuyên nên các hoạt động chi huyện đều phải trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

Tương tự nhiều năm qua, chi ngân sách của huyện Nam Sách đều dựa vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp trên. Năm 2013, tổng thu ngân sách của huyện Nam Sách chỉ đạt 70,5 tỷ đồng. Nếu trừ tiền sử dụng đất, thu ngân sách của Nam Sách chỉ còn 35,5 tỷ đồng, mới bảo đảm được khoảng gần 20% nhiệm vụ chi thường xuyên của huyện (khoảng 177,8 tỷ đồng). Đối với ngân sách cấp xã, mặc dù tổng thu cả năm 2013 đạt 106,4 tỷ đồng, nhưng riêng nguồn thu từ trợ cấp từ ngân sách cấp trên đã lên tới 65,3 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có trợ cấp từ ngân sách cấp trên, thu ngân sách cấp xã của huyện Nam Sách không thể bảo đảm cho riêng nhiệm vụ chi thường xuyên, chưa kể tới chi cho đầu tư phát triển.

Theo tổng hợp của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.425 tỷ đồng, vượt 3,8% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt trên 9.465 tỷ đồng, vượt 33% dự toán. Như vậy, thu ngân sách của tỉnh vẫn chưa bảo đảm được nhiệm vụ chi và phải trông chờ vào ngân sách trung ương cấp. Nguyên nhân tăng chi là do tăng lương tối thiểu, các chế độ phụ cấp và một số khoản chi phát sinh do trung ương bổ sung hỗ trợ chi chương trình mục tiêu quốc gia cân đối qua ngân sách địa phương, chi hoàn trả thuế, chi trả vốn tồn ngân kho bạc, chi quản lý qua ngân sách. Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, việc điều hành chi ngân sách của tỉnh cũng như các địa phương khá thận trọng, chặt chẽ, theo nguyên tắc bảo đảm kinh phí chi cho các nhiệm vụ thiết yếu, chế độ cho con người, chi sự nghiệp bảo đảm xã hội, chi sự nghiệp nông, lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cơ bản bảo đảm ổn định định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương. Không bố trí nguồn để thực hiện chế độ chính sách mới đặc thù riêng của địa phương phát sinh trong năm 2014. Rà soát các hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước. Số giao tăng thu 5% thu nội địa (loại trừ tiền sử dụng đất) cân đối vào chi trong dự toán năm 2014, trong đó 50% để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, 50% còn lại dành nguồn để dự kiến thực hiện các chế độ, nhiệm vụ đã có kế hoạch trong năm 2014.

Để giảm gánh nặng chi tiêu, điều thiết yếu nhất là triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác. Bên cạnh đó, các địa phương cần hoàn thiện việc cân đối các khoản chi, tiết kiệm chi tiêu và chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước. Nghiêm túc chấn chỉnh việc chi tiêu, thực hiện chi theo dự toán, không chi khi chưa có dự toán và những nội dung chi phát sinh ngoài kế hoạch.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng chi ngân sách