Trong giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã của 58 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp.
Ảnh minh họa.Nguồn: TTXVN
Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2023, các địa phương tiến hành việc xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Năm 2024, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Đồng thời, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư, sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Năm 2025 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Liên quan đến sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ cho biết khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp kiện toàn, tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã, thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất, gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Khi nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân của đơn vị hành chính mới thực hiện theo quy định tại Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Khi điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành đơn vị hành chính cùng cấp thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Điều 136 và Điều 137 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Trường hợp Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã do điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà không còn đủ 2/3 tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân, thực hiện theo quy định tại Điều 138 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trường hợp đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập các đơn vị hành chính cùng cấp và có tên gọi khác với tên gọi của đơn vị hành chính được nhập thì khóa của Hội đồng Nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập. Đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính và thay đổi tên gọi hoặc loại hình đơn vị hành chính thì khóa của Hội đồng Nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp cũng được tính lại từ đầu (khóa I).
Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN
Còn đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập hoặc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cùng cấp và giữ nguyên tên gọi, loại hình của một trong các đơn vị hành chính được nhập, điều chỉnh thì khóa của Hội đồng Nhân dân ở đơn vị hành chính sau khi nhập, điều chỉnh tiếp tục tính theo khóa của Hội đồng Nhân dân ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi.
Đối với các cơ quan thuộc Hội đồng Nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Trong đó, việc tổ chức Ban Dân tộc của Hội đồng Nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ mới (nếu có) thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 1130/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc của Hội đồng Nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 158/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.
Đối với các tổ chức hành chính thuộc cơ quan Trung ương, thuộc cấp tỉnh được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thực hiện theo quy định của Luật chuyên ngành, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và quy định tại Nghị định số 158/2018/NĐ-CP.
Cũng theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cùng loại trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm phù hợp với quy mô dân số, bán kính phục vụ, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo TTXVN