Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ này. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự gắn kết "3 nhà" để hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Bình quân mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo cho trên 38.000 người
Những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được nâng lên, dần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa "3 nhà" Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp (DN) là rào cản khiến hoạt động GDNN chưa như kỳ vọng.
Doanh nghiệp chưa thấy rõ lợi ích
Những năm qua, hệ thống cơ sở GDNN trong tỉnh phát triển nhanh về quy mô và số lượng. Một số cơ sở giáo dục và DN đã chủ động gắn kết GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Toàn tỉnh hiện có 10 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN, 5 trung tâm và 2 DN tham gia hoạt động GDNN. Bình quân mỗi năm các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo cho trên 38.000 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định khoảng 70-90%. Năm 2020, toàn tỉnh có 46 DN có nhu cầu đào tạo 4.880 lao động ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó đào tạo dưới 3 tháng có 3.447 lao động.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 75% năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động GDNN còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng kỳ vọng. Nguyên nhân do DN chưa mặn mà vì chưa thấy rõ lợi ích. Còn cơ sở GDNN thì thiết tha liên kết, đào tạo nhưng thiếu tiềm lực.
Ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương cho biết trường đang liên kết đào tạo với 30 DN lớn trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả gắn kết GDNN có nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do trang thiết bị chưa theo kịp với DN để đào tạo. Hình thức liên kết mới dừng lại ở việc ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng; đưa sinh viên đến thực tập, trải nghiệm tại DN.
DN khi liên kết với nhà trường sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông Phan Công Trà, phụ trách nhân sự, Công ty CP Thép Hoà Phát (Kinh Môn) cho biết gắn kết đào tạo lao động với cơ sở GDNN rất cần thiết bởi DN sẽ giảm được chi phí đào tạo lại, sinh viên ra trường đáp ứng được ngay vị trí việc làm mà DN cần.
Tuy nhiên, nhiều DN chưa mặn mà với các cơ sở GDNN. DN có xu hướng tự đào tạo nghề cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở GDNN. Nhiều DN FDI tuyển thẳng từ lao động phổ thông, sau đó đào tạo một thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu. DN chưa có nhiều hoạt động tham gia sâu vào quá trình đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, đánh giá tại cơ sở GDNN, hỗ trợ trang thiết bị đào tạo nghề và kinh phí đào tạo cho các cơ sở GDNN.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương đang liên kết đào tạo với 30 doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh
Ngày 28.5.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất xây dựng Đề án “Đào tạo nghề nghiệp cho người lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN” giai đoạn 2021-2025. Các chính sách này là đòn bẩy thúc đẩy sự gắn kết "3 nhà" để hoạt động GDNN phát triển trong thời gian tới.
Để hoạt động GDNN phát triển, theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), "3 nhà" cần có sự gắn kết chặt chẽ. Nhà nước là trung gian điều phối, hỗ trợ. Nhà trường cần có kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn về hợp tác đào tạo và tuyển dụng; điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của DN.
Các trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; phối hợp với DN để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của DN, trên cơ sở đó triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp. Các trường mời DN tham gia xây dựng chương trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học.
Hằng năm, DN cần cung cấp thông tin chính xác về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động cho cơ quan quản lý nhà nước. DN cần tham gia sâu vào quá trình đào tạo; hỗ trợ cơ sở GDNN đưa người học đến thực tập, vừa học vừa làm để nâng cao trình độ. DN phối hợp với cơ sở GDNN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động; hỗ trợ trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở GDNN...
THẾ ANH