Những con sóng trên thị trường chứng khoán 2015 sắp khép lại, hứa hẹn những cuộc đổi ngôi bất ngờ trong danh sách các cá nhân có tài sản lớn nhất trên sàn.
Doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam sắp đi hết một năm 2015 nhiều cảm xúc: Từ đỉnh cao 638 điểm của sàn TP HCM vào tháng 7 đến những phiên mất 20-30 điểm vì sự kiện phá giá nhân dân tệ hồi tháng 8; hay áp lực rút vốn của nhà đầu tư ngoại trước khả năng Mỹ tăng lãi suất trong nửa cuối năm... VN-Index theo đó cũng bước vào những phiên giao dịch cuối năm ở ngưỡng dao động quanh 560 điểm, tăng gần 6% so với cùng kỳ 2014.
Dòng chảy chung của thị trường cùng với câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp đã tác động lớn đến tài sản của các doanh nhân - những ông bà chủ hay người trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp. Theo thông lệ 10 năm qua, những biến động ấy một lần nữa đượcghi nhận và gửi tới bạn đọc trong các danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam 2015, sẽ lần lượt được công bố trong những ngày tới.
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, vốn hóa thị trường năm 2015 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng tương đương 34% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 4.964 tỷ. Trong đó, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu đạt 2.470 tỷ đồng. Tính đến tháng 12, trên 2 sàn có 682 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014. Trong năm 2015, có 47 công ty niêm yết mới và 33 công ty hủy niêm yết. Số lượng tài khoản nhà đầu tư là 1,5 triệu, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 17.644. |
Trước khi 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM bước vào tuần giao dịch cuối cùng, thống kê với gần 8.000 cổ đông, là những người thuộc diện phải công bố thông tin tại doanh nghiệp niêm yết, cho thấy toàn thị trường có gần 430 cá nhân có tài sản chứng khoán tương đương 1 triệu USD trở lên, tăng hơn 30 người so với năm 2014. Đây cũng là số lượng triệu phú chứng khoán đông đảo nhất được ghi nhận trong vòng 5 năm qua.
Ngoài ra, tổng tài sản chứng khoán của gần 8.000 cổ đông nêu trên cũng đạt xấp xỉ 112.600 tỷ đồng, tương gần 5 tỷ đôla Mỹ và tăng gần 16% so với năm ngoái. Trong đó, riêng tài sản của top 100 đã chiếm khoảng 84%.
Dữ liệu lịch sử mà VnExpress có được cho thấy những phiên giao dịch cuối năm luôn ghi nhận biến động lớn và chứng kiến không ít những cuộc đổi ngôi ngoạn mục. Điều này càng có cơ sở trong một năm thị trường diễn biến kịch tính như 2015.
Đáng chú ý nhất là sau 5 năm liền giữ vị trí thứ 2 trong danh sách, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức nhiều khả năng sẽ phải nhường lại vị trí này cho ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long, do giá cổ phiếu HAG giảm mạnh trong năm qua. Ngay cả vị trí mới của Bầu Đức cũng bị đe dọa khi tổng tài sản cổ phiếu của ông hơn người xếp sau là bà Phạm Thu Hương - phu nhân của của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trên 100 tỷ đồng và có thể bị khỏa lấp bởi một vài phiên tăng - giảm giá.
Top 5 người giàu trên sàn chứng khoán tính đến 18-12-2015
Vị trí | Ảnh | Họ và tên | Tài sản | Mã CK |
1 | Phạm Nhật Vượng | 22.095 | VIC | |
2 | Trần Đình Long | 5.529 | HPG | |
3 | Đoàn Nguyên Đức | 3.964 | HAG | |
4 | Phạm Thu Hương | 3.810 | VIC | |
5 | Phạm Thúy Hằng | 2.544 | VIC | |
Đơn vị: tỷ đồng |
Bên cạnh những biến động về giá cổ phiếu, những phiên chợ chứng khoán cuối năm nay còn chờ đợi kết quả giao dịch của nhiều cổ đông lớn, có thể ảnh hưởng đến tài sản của các cá nhân trên sàn. Tiêu biểu là việc Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu của công ty này, bà Vũ Thị Hương bán hơn 5,59% vốn điều lệ của PVR hay ông Trần Minh Tuấn mua vào 3 triệu cổ phiếu HKB, Địa ốc Hoàng Quân thoái vốn thu về 180 tỷ đồng...
Theo VnExpress