<br><b>Tính đến 31.8.2017, tổng nguồn lực toàn tỉnh đã huy động xây dựng nông thôn mới (NTM) lên tới hơn 30.761 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD).</b><br>
Đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến tháng 8.2017, giải pháp đến năm 2020
Số xã đạt chuẩn NTM cao hơn bình quân cả nước
Theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến tháng 8.2017; giải pháp thực hiện đến năm 2020 do đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày, tính đến 31.8.2017, toàn tỉnh đã có 115 xã đạt NTM, tăng 13 xã so với thời điểm 31.12.2016, đạt 50,8%, cao hơn bình quân chung toàn quốc 19,7%. Tính bình quân toàn tỉnh, mỗi xã đạt 16,7 tiêu chí NTM, dự kiến đến cuối năm con số này sẽ là 17 tiêu chí/xã. Trong đó, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Trung ương thẩm định, công nhận.
Cũng theo tờ trình này, toàn tỉnh đã huy động 30.761,1 tỷ đồngđể xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 1,9%; ngân sách tỉnh 10,9%; ngân sách huyện 2,4%; ngân sách xã 6,0%; nguồn tín dụng: 52,1 %; nguồn đầu tư của doanh nghiệp 11,7%; nguồn vốn nhân dân đóng gópchiếm 13,9%; nguồn vốn khác (tài trợ, ủng hộ...)1%.
Để khuyến khích các xã phấn đấu hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã quyết định hỗ trợ mỗi xã năm 2014 là 15 tỷ đồng, năm 2015 là 8tỷ đồng, năm 2016 và 2017 là 7 tỷ đồng.
Góp phần nâng cao đời sống nông dân
Kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa gắn với liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm bền vững nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2016 đạt 36,26 triệu đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên. Hạ tầng cơ sở được kiến thiết khang trang. Toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2.350 km đường giao thông nông thôn. 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 545 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 58,47%. Toàn tỉnh có 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa. Mạng lưới cấp nước sạch được cung cấp tới 100% các xã…
Tuy nhiên, ở một số xã vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của cấp trên. Một số địa phương mới quan tâm đến xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; công tác vận động tuyên truyền chưa tốt, nên vẫn còn có người dân chưa đồng thuận cao trong việc tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới và thực hiện đồn điền đổi thửa.
Nguồn thu ngân sách các xã chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất. Các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít .Tình hình nợ xây dựng cơ bản ở một số xã còn lớn, nhưng khả năng huy động nguồn trả nợ gặp nhiều khó khăn. Tổng số nợcác công trình đã nghiệm thu, thanh quyết toán và nợ khối lượng hoàn thành các công trình chưa nghiệm thu, thanh quyết toán đến 31.8.2017 của toàn tỉnh hơn 1.106 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 203 xã đạt chuẩn NTM, đạt 89,8%. Năm 2018, huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn NTM và TP Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Năm 2020, các huyện Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn vốn dự kiến xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 hơn 14.023 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tín dụng chiếm khoảng 44,5%. Tỉnh dự kiến tiếp tục hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017mỗi xã 7 tỷ đồng. Năm 2018 và 2019, hỗ trợ mỗi xã 5 tỷ đồng.
PV