Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture năm 2023 vừa đóng cổng nộp đề cử với kết quả ghi nhận 1.389 hồ sơ.
Theo thống kê từ VinFuture, năm nay, số lượng đối tác đề cử tăng hơn 4 lần so với mùa giải đầu tiên, đặc biệt 1/5 đối tác đề cử là các tác giả thuộc nhóm top 2% nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Các đề cử năm nay đến từ các nhà khoa học, tổ chức uy tín từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 6 châu lục. Trong đó, nhiều nhất là các nhà khoa học từ châu Mỹ - 30,3%; tiếp đến châu Á (28,6%); châu Phi (9,5%) và châu Đại Dương (6,8%). Đặc biệt, tỷ lệ đối tác đề cử đến từ châu Âu đã tăng lên đến 24,8% – gấp 1,5 lần so với năm 2022.
Các đối tác đề cử đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như: Đại học Harvard, Stanford, Pennsylvania, hệ thống trường Đại học California, Đại học Johns Hopkins, Viện Nghiên cứu Max Planck (Đức), Đại học Cambridge, Oxford, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Monash (Australia)…
Giải thưởng mùa này đa dạng hơn so với 2 mùa giải đầu tiên. Các đề cử bao phủ nhiều lĩnh vực thiết yếu như y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, biến đổi khí hậu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đa ngành… Tất cả các công trình đều hứa hẹn tiềm năng phát triển vượt bậc và giúp ích cho đời sống hàng ngày của hàng triệu người.
TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành giải thưởng VinFuture chia sẻ: “Giải thưởng VinFuture mùa thứ 3 nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng khoa học quốc tế. Số lượng đối tác đề cử tăng hơn 4 lần - từ gần 1.200 đối tác của mùa giải đầu tiên lên đến hơn 5.264 đối tác trong năm nay. Điều này khẳng định uy tín ngày càng tăng của giải thưởng trong giới khoa học toàn cầu, nhấn mạnh vai trò của giải thưởng là động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học”.
Với sứ mệnh “khoa học phụng sự nhân loại”, các đề cử VinFuture mùa 3 đều đáp ứng tiêu chí chứng minh rõ sự tác động tích cực đã mang lại hoặc thể hiện rõ tiềm năng mang đến những thay đổi tích cực, cho cuộc sống của hàng triệu người. Bên cạnh đó, nhiều đề cử thuộc các lĩnh vực mới tiên phong như: các phát minh hỗ trợ nhóm người khuyết tật, các bệnh về thần kinh – ung thư, các mô hình kiểm soát đặc tính vật liệu, điện toán lượng tử, nguồn năng lượng mới, các vật liệu và thiết bị công nghệ cao tối ưu chi phí…
Vòng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture năm 2023 diễn ra từ ngày 1.6 đến ngày 16.9, nhằm xem xét kỹ lưỡng và lựa chọn ra những công trình ấn tượng, xứng đáng nhất để tiến vào vòng xét giải cuối cùng.
Hội đồng Sơ khảo gồm 12 thành viên sẽ đánh giá các đề cử dựa trên quy trình xét duyệt khắt khe và các chuẩn mực quốc tế cao nhất, nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch. Các tiêu chí đánh giá cốt lõi bao gồm mức độ tiến bộ trong khoa học công nghệ, tầm ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của con người, cũng như quy mô và sự bền vững của dự án.
Theo VTC