Cách đây đúng 32 năm, vào rạng sáng ngày 14.3.1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tiến công đánh chiếm các đảo, bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các chiến sĩ viếng mộ đồng đội hy sinh ngày 14.3.1988 được an táng trên đảo Sinh Tồn. Ảnh tư liệu
6 chiếc tàu chiến được trang bị tên lửa và pháo 100mm vô cớ tiến công các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ tại đây. Bị tiến công bất ngờ trong tương quan lực lượng quá chênh lệch, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngoan cường và dũng cảm chiến đấu để bảo vệ đảo, giữ vững chủ quyền.
Mặc dù vậy, do chiếm ưu thế hơn hẳn về hỏa lực và trang bị phương tiện nên cuộc tiến công của hải quân Trung Quốc đã làm cho 3 tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam bị cháy, bị chìm; 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, 9 người bị tàu hải quân Trung Quốc bắt đưa đi và nhiều người bị thương.
Đã hơn 3 thập niên trôi qua nhưng không phải ai cũng nhận diện được đầy đủ và chuẩn xác về sự kiện đầy bi thương này. Song, cho dù tiếp cận từ góc độ nào đi chăng nữa thì cũng cần phải khẳng định 2 điều. Thứ nhất, những hành động gây chiến của quân Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm một cách trắng trợn luật pháp và thông lệ quốc tế. Cuộc tiến công đánh chiếm các đảo, bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam của hải quân Trung Quốc (tháng 3.1988) là sự tiếp nối của cuộc chiến tranh xâm lược (1979) và hoạt động xâm lấn biên giới (kéo dài đến 1989) của Trung Quốc đối với Việt Nam lúc bấy giờ. Thứ hai, cuộc chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 là một cuộc chiến bắt buộc để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến này, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hết sức kiềm chế, nhưng mọi sự kiềm chế đều có giới hạn. Một khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, đồng đội bị tàn sát, bắn giết... họ buộc phải cầm súng và khi đã cầm súng thì chiến đấu quả cảm đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền.
Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu luôn là lãnh thổ của Việt Nam. Điều đó không chỉ được khẳng định bằng cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử mà còn cả trong tư tưởng, văn hóa và tâm thức của người Việt từ bao đời nay. Chính vì vậy mà cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại 2 quần đảo này, đặc biệt là cuộc chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam tháng 3.1988 ngoài việc thực thi nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của người lính còn là đấu tranh cho sự trọn vẹn của những tình cảm chân chính, tình yêu quê hương đất nước chất chứa trong hàng chục triệu trái tim con Lạc cháu Hồng.
Trong trận chiến đấu này, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, Lê Lệnh Sơn, bộ đội đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của trên, đó là “không bị mắc mưu khiêu khích của địch; đánh trả kịp thời và kiên quyết”.
Hơn ai hết, lực lượng bảo vệ Trường Sa nói chung, trực tiếp bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao nói riêng, từ cán bộ cho đến chiến sĩ hiểu rằng cần phải hết sức cảnh giác, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất và hành động một cách mau lẹ, kiên quyết. Với họ, vì một nền hòa bình cho Biển Đông, sẵn sàng nín nhịn và kìm nén, không bao giờ “nổ súng trước”.
Vào thời điểm đó, dẫu còn một số đảo, bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị quân Trung Quốc lấn chiếm, song lực lượng bảo vệ Trường Sa đã chiến đấu quên mình để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cao cả mà Tổ quốc và nhân dân đã ủy thác cho họ. Đúng như lời khen ngợi của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Họ đã kiên cường ngăn chặn âm mưu và hành động lấn chiếm Trường Sa, từ đó củng cố thêm chủ quyền của Tổ quốc ở Biển Đông”.
Hình ảnh Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy bộ đội chiến đấu, vừa tổ chức băng bó cứu chữa cho thương binh, đồng thời vừa hỗ trợ cho các chiến sĩ bảo vệ cờ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh cùng đồng đội; hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh chiến đấu quả cảm, hứng trọn hàng chục viên đạn và lưỡi lê của kẻ địch, bảo vệ bằng được lá cờ của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma; hay như hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trên con tàu HQ-505 quyết định “ủi bãi’’ mặc cho 2/3 thân tàu đang bốc cháy... cùng lời thề “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo” của Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói lên tất cả. Không gì khác, đó chính là sự thể hiện ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền quốc gia của những người lính biển và cũng là sự chuyển tải thông điệp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của cả dân tộc.
Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sống thủy chung, trên tinh thần của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Vào thời điểm xảy ra “trận chiến Gạc Ma”, đất nước Việt Nam vừa bước ra từ cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm, trên mình còn mang đầy thương tích, lại đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược ở 2 đầu biên giới nên không ai mong muốn có chiến tranh và luôn tìm mọi cách để cho điều đó không xảy ra. Tuy nhiên, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều bất biến. Một khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, nền độc lập bị đe dọa thì họ phải hành động, sẵn sàng xả thân vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chỉ với cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao tháng 3.1988 không thôi cũng đã đủ viết nên một khúc tráng ca bất tử trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hành động chiến đấu quả cảm, sự hy sinh của những người lính biển đã tạc nên dáng đứng Việt Nam giữa biển khơi lộng gió.
Trong tâm trí nhiều người, hẳn không bao giờ quên lời hô đanh thép “Xin thề” của những người lính Trường Sa. Điệp khúc ấy vang lên trong buổi lễ kỷ niệm ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam được tổ chức ngay tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7.5.1988. Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh, dõng dạc tuyên bố: “Giữa trời cao biển rộng bao la, trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta; bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!”. Đó cũng chính là lời thề của những người con đất Việt hướng về biển đảo, về Trường Sa thân yêu, về những con người quả cảm đã ngã xuống vì Hoàng Sa - Trường Sa, nhất là vào mỗi độ tháng ba về.
PGS-TSTRẦN NGỌC LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam