Vợ đi lao động nước ngoài, người chồng ở nhà phải nỗ lực đảm nhận cả vai trò của người mẹ để nuôi dạy con tốt.
Không ít phụ nữ Hải Dương vì mưu sinh, nuôi giấc mộng đổi đời, chấp nhận xa gia đình đi xuất khẩu lao động. Vợ đi lao động nước ngoài, người chồng ở nhà vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Đảm hai vai
“Mẹ vắng nhà ba nấu cơm/Mẹ vắng nhà ba buộc tóc/Mẹ vắng nhà ba là tất cả…”… Bài thơ “Ba là tất cả” được bé Nguyễn Hải Yến con gái anh Nguyễn Văn Kha ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) biến tấu từ bài thơ “Mẹ vắng nhà” của nhà thơ Trần Đăng Khoa dạy em trai ba tuổi đọc khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Vợ anh Kha đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hơn 1 năm nay cũng là quãng thời gian anh vất vả nhất. Cuộc sống của anh đảo lộn vì phải một mình cáng đáng trách nhiệm của cả bố và mẹ. Anh Kha cho biết: "Ông bà nội mất sớm, ông bà ngoại ở xa, không thể trợ giúp. Hồi mẹ các cháu ở nhà mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp. Cô ấy lo hết việc nhà để tôi yên tâm đi làm. Bây giờ mấy bố con cũng dần quen với cảnh mẹ vắng nhà. Nếu cứ như mấy tháng đầu có khi tôi phải gọi cô ấy về”, anh Kha nói.
Thôn Hoàng Hòa, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) được gọi là “làng biệt thự”. Những ngôi nhà lớn với kiến trúc hiện đại mọc san sát, mang vóc dáng của phố thị, không giống một làng quê thuần nông với ít nghề phụ.
Đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoàng Hòa Nguyễn Trọng Đàm cho biết cả làng có hơn 300 người đi làm việc ở nước ngoài thì số phụ nữ chiếm quá nửa. Do có nhiều chị em đi xuất khẩu lao động nên ở đây có hẳn một nhóm Zalo để đàn ông có vợ đi nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. “Vợ vắng nhà nhưng những người chồng ở Hoàng Hòa đảm đang, nhạy bén, trở thành hậu phương vững chắc để vợ lo làm ăn, kiếm tiền”, ông Đàm nói.
Một mình chăm con vất vả nên những người chồng có vợ đi xuất khẩu lao động thường phải nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần để nuôi dạy con tốt, giúp vợ yên tâm làm ăn nơi xa xứ.
Anh Nguyễn Văn Duy ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm: “Con gái thứ hai đang vào tuổi ăn, tuổi lớn tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu, chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất trước khi bước vào tuổi dậy thì”. Một mình nuôi ba con khôn lớn, nhất là bé thứ ba mới hơn 3 tuổi còn nhớ mẹ, anh Duy luôn dặn lòng phải vững vàng, cố gắng làm tốt cả phần của vợ, không để các con thiệt thòi.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, đến hết tháng 8, toàn tỉnh có hơn 8.000 người đi làm việc ở nước ngoài, vượt gấp đôi mục tiêu năm 2023. Trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều năm qua có rất nhiều phụ nữ. Họ chủ yếu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản làm trong các doanh nghiệp may mặc, làm nông nghiệp, chăm sóc người già hoặc giúp việc gia đình…
Thiệt thòi
Xa gia đình mưu sinh nơi xứ người để chồng ở nhà chăm con, nhiều phụ nữ luôn lo lắng và day dứt. Chị Hoàng Thị Huyền ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đi lao động ở Hàn Quốc được hơn 3 năm chia sẻ: “Phụ nữ đi làm ăn xa trong một thời gian dài, người thiệt thòi nhất là các con, sau đó là chồng. Cái khó mà những người cha thường gặp phải khi một mình nuôi con là thiếu sự dịu dàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ của người mẹ. Vì thế, nhiều lúc tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ gọi điện về nhà dỗ con gái đang tuổi “ẩm ương” chỉ vì bố lỡ lời quát mắng khiến cháu tủi thân”.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Health Bridge (Quỹ Nhịp cầu sức khỏe toàn cầu) của Canada và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) thực hiện mới đây tại những nơi có nhiều lao động đi nước ngoài làm việc như Thái Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An cho thấy phần lớn lao động nữ đi nước ngoài làm việc ở độ tuổi từ 28-32, trong đó nhiều chị em có con nhỏ dưới 6 tuổi. Người vợ, người mẹ đi xuất khẩu lao động sẽ để lại một khoảng trống không dễ gì bù đắp được đối với những thành viên còn lại trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Đinh Văn Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý (người thường xuyên tư vấn tâm lý chương trình "Cửa sổ tình yêu" của Đài Tiếng nói Việt Nam) cho biết đã từng nhận không ít câu hỏi của những người cha rơi vào cảnh “gà trống” chăm con như “Có nên cho vợ tiếp tục đi lao động nước ngoài không?”, “Làm thế nào để giải quyết tâm lý cho trẻ vào tuổi dậy thì?”… Nhiều ông bố khá lúng túng khi gặp những tình huống dở khóc, dở cười liên quan đến tuổi dậy thì của con gái, thậm chí cả những uẩn khúc của bản thân khi vợ vắng nhà vì đi lao động ở nước ngoài dài ngày cũng gọi điện nhờ ông tư vấn.
“Dẫu biết những người mẹ đi xuất khẩu lao động không sung sướng gì nhưng theo tôi nếu có thể lúc con còn nhỏ, cần được chăm chút, dạy bảo thì các mẹ hãy cân nhắc ở nhà. Nếu không thể ở lại thì cần giữ mối liên hệ với gia đình nhiều hơn”, tiến sĩ Đinh Văn Đoàn nói.
Không phủ nhận những lợi ích kinh tế của việc đi lao động ở nước ngoài đối với nhiều gia đình nhưng khi phụ nữ phải xa nhà dài ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những thành viên còn lại. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của những người chồng, người cha cũng cần sự gắn kết, yêu thương của những người mẹ, người vợ để tránh những những hệ lụy không hay vì đi xuất khẩu lao động.
BẢO ANH