Theo chuyên gia, việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ, có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh, tăng cơ hội lây lan của virus.
Nhận được tin người bạn vừa gặp mấy ngày trước mắc Covid-19, chị Lê Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) biết mình đã trở thành F1. Thay vì chuẩn bị các thiết bị và thuốc như khuyến cáo, chị Bình ra chợ mua sả, gừng về để xông cho cả nhà. Ngoài ra, tất cả các bài thuốc được khuyên như cho tỏi, dầu phật linh vào cốc nước nóng… để xông, chị đều áp dụng triệt để cho cả gia đình.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng dùng phương pháp xông để “trị” Covid-19 khi chồng chị trở thành F0, chị và 2 con (7 và 2 tuổi) vẫn có kết quả âm tính.
Chị Hà khoe vì được bà ở quê tiếp tế sả, gừng… nên gia đình chị tích trữ rất nhiều. Mỗi ngày, chị nấu nồi nước xông cho cả gia đình vào sáng, trưa và tối. “Việc này khá vất vả và mất thời gian, nhưng kinh nghiệm của nhiều người cho thấy xông rất có tác dụng nên chúng tôi cố gắng ít nhất ngày xông 3 lần”, chị nói.
Sả là mặt hàng được nhiều người dân mua để xông
Theo các chuyên gia, xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi, tạo cảm giác thư giãn thoải mái. Tuy nhiên, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay trị khỏi bệnh Covid-19.
Theo TS Bùi Lê Minh, trưởng ngành công nghệ sinh học - Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT (Đại học Nguyễn Tất Thành), việc xông lá, thực vật chứa hoạt chất kháng khuẩn, kháng viêm... có tác dụng làm giảm một số triệu chứng cảm, sốt do tác dụng nhiệt độ kết hợp với hoạt chất có khả năng khử trùng các vi khuẩn trên bề mặt các niêm mạc đường thở, trên da, làm tăng cường tuần hoàn...
“Nên khi bị cảm thông thường, việc xông thường có tác dụng nhưng mặt trái của nó lại có nhiều nguy cơ hơn lợi ích”, TS Lê Minh nói.
TS Lê Minh phân tích, đó là nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi. Trong các báo cáo từ các nước Châu Á - nơi người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà, các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. Đặc biệt, người dân thực hiện xông hơi một mình và thiếu kinh nghiệm dễ bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và không có ai hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.
Cũng theo chuyên gia này, việc xông còn có nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus. Theo lý thuyết, ở nhiệt độ cao 60-70 độ C, thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể, nhưng lưu ý là khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào.
“Vì thế, muốn tiêu diệt virus, phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước, và với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn, lợi bất cập hại”, TS Lê Minh nói.
Việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt và tăng cơ hội lây lan của virus.
“Với những lý do này, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus. Khi cả gia đình đã âm tính hết, có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài”, TS Minh nói thêm.
Tương tự, TS. BS Thái Văn Bình, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cũng cho biết xông hơi là biện pháp điều trị theo y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, các gia đình cần lưu ý thực hiện đúng cách, đặc biệt với đối tượng là trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Các nguyên liệu được nhiều gia đình dùng để xông
TS. BS Nguyễn Hồng Minh– Trưởng Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng thông tin xông hơi là một trong các biện pháp điều trị theo y học cổ truyền ứng dụng để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh được nhắc đến trong “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng chống dịch Covid-19” do Bộ Y tế ban hành.
Trong thời gian đại dịch, ngoài Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng ứng dụng phương pháp xông hơi, xông khói cho không gian sinh sống, không gian làm việc, túi thơm đeo bên người sử dụng thảo dược để làm sạch không khí, kháng khuẩn, tránh sự khuếch tán của virus, từ đó có tác dụng giảm và ngăn ngừa sự lây lan của virus trong không khí. Nguyên liệu thường được dùng là sự phối hợp của các vị thuốc đông y có tính kháng khuẩn, có khả năng ức chế virus đã được khoa học chứng minh, có tính tinh dầu, có hương thơm…
Theo TS. BS Hồng Minh, sử dụng phương pháp xông để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh là dùng để xông phòng ở, nơi làm việc; có thể sử dụng các máy phun sương dùng tinh dầu hoặc thuốc đông y cô đặc.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh tăng nhanh tại các địa phương, nhiều gia đình đã lạm dụng và có phần hiểu chưa đúng về xông cũng như cách thức xông để phòng bệnh và hạn chế lây lan virus. Nhiều trường hợp đã hiểu nhầm thành xông mũi, xông mặt hay xông toàn thân…
Người dân không nên lạm dụng việc xông bởi xông quá nhiều sẽ gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe. Bạn nên xông hơi một mình và tần suất tốt nhất là 1 ngày/lần. Lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã. TS. BS NGÔ QUANG HẢI (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) |
Theo Vietnamnet