Trước những bất hợp lý của biểu giá điện lũy tiến hiện hành, EVN đề xuất 3 cách tính mới trong đó có việc bán đồng giá theo mức bình quân hiện nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn tất Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Theo đó, ngoài phương án giữ nguyên cách tính 6 bậc thang như hiện hành, EVN cũng đề xuất biểu giá điện sinh hoạt có thể được tính theo 2 cách khác.
Phương án gây chú ý nhất là việc bán đồng giá 1.747 đ/kWh. Đây cũng chính là giá điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt hiện nay. Với phương án này, EVN tính toán các hộ sử dụng dưới 240 kWh trong tháng sẽ tăng tiền điện phải trả. Hộ bị tác động cao nhất là sử dụng 100 kWh. Các hộ sử dụng trên 240 kWh sẽ được hưởng lợi.
Theo EVN, một khi đồng giá bán sẽ minh bạch, rõ ràng và giảm chi phí đầu tư gắn mới công tơ trong trường hợp các hộ sử dụng điện trong cùng địa điểm tách hộ để được sử dụng điện với giá thấp ở các bậc thang đầu tiên. Tuy nhiên, đối tượng người nghèo, thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Ở phương án khác, ngành điện rút gọn biểu giá sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3-4 bậc với các kịch bản:
Với đề xuất này, EVN cho rằng sẽ khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều, sẽ càng phải trả tiền điện với giá cao hơn, và ngược lại. Song, tập đoàn này lo ngại việc ghi chỉ số nhất trong mùa nắng nóng với chỉ số kWh ở nấc thang cao sẽ khiến số tiền phải trả cũng tăng dễ gây hiểu lầm ghi chỉ số điện không chuẩn xác. Khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn không thể cải thiện.
Theo đó, nếu rút gọn biểu giá về 3 bậc thang (kịch bản 2), những hộ bị tăng tiền chi trả chủ yếu sử dụng điện ở mức trung bình 107- 233,88 kWh mỗi tháng.
Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), EVN tính toán bậc một (50 kWh đầu) có giá 1.484 đ/kWh; bậc 2 có giá 1.670 đ/kWh; bậc 3 là 2.325 đ/kWh và bậc 4 có giá 2.587 đ/kWh.
Như vậy, so sánh 2 phương án mới được đưa ra, nếu điện được tính đồng giá thì những hộ dùng trên 400kWh sẽ giảm tiền đáng kể. Song, nếu chọn việc giảm bậc thang biểu giá thì tổng tiền điện lại có thể tăng hơn so với trước. EVN cho rằng cách tính mới sẽ bù trừ khoản tăng lên hay giảm đi giữa các hộ và doanh thu bán điện sinh hoạt không thay đổi.
EVN cho biết, sau khi lấy các ý kiến góp ý, trong tháng 10, Tập đoàn sẽ hoàn thiện Đề án để gửi lên Bộ Công Thương và trình Thủ tướng quyết định.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, khi biểu giá điện được rút từ 7 xuống còn 6 bậc, giá điện tại bậc thang thứ 6 cao hơn mức bình quân 1.000 đồng mỗi KWh, khiến người dùng càng nhiều điện càng bị tính giá cao. Thậm chí, không ít hộ gia đình phải chi trả hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 1,5-3 lần so với trước, nhất là vào những tháng nắng nóng.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận biểu giá hiện hành áp dụng cách tính lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp là chưa thực sự thuyết phục. Do vậy Bộ đã chỉ đạo EVN tính toán điều chỉnh giảm bậc thang, vừa đảm bảo tiết kiệm điện vừa phù hợp với cả cộng đồng, thay vì hướng một nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện.
Theo VnExpress