Góc nhìn

Euro 2024 và nhân tài nhập tịch

PHAN TẤT ĐỨC/VnExpress 15/07/2024 17:01

Nhiều người cho rằng Euro 2024 là một giải đấu suy giảm về chất lượng và kém hấp dẫn. Với tôi, Euro 2024 lại đầy thú vị.

Mùa hè nước Đức là bệ phóng cho nhiều tài năng trẻ, xứng đáng được coi là tương lai của bóng đá thế giới. Điều này rõ ràng nhất ở hai đội tuyển lọt vào chung kết: Tây Ban Nha và Anh.

Tây Ban Nha toàn thắng cả giải đấu, với đóng góp lớn của Lamine Yamal và Nico Williams. Yamal tròn 17 tuổi chỉ một ngày trước khi trận chung kết diễn ra. Còn Nico Williams bước qua tuổi 22 trước đó một ngày. Dù còn rất trẻ, họ đã trở thành trụ cột, nguồn cảm hứng trong lối chơi, là "đôi cánh" của Tây Ban Nha.

Nico Williams rất xuất sắc, là người ghi bàn mở tỉ số trận chung kết, nhưng Yamal còn gây ấn tượng mạnh hơn. Yamal giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc giải đấu, sau khi phá hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu: cầu thủ trẻ nhất ra sân, trẻ nhất kiến tạo, và trẻ nhất ghi bàn ở một vòng chung kết Euro. Yamal còn xô đổ luôn những kỷ lục đã tồn tại gần 7 thập kỷ của "vua bóng đá" Pele: cầu thủ trẻ nhất thi đấu và ghi bàn ở bán kết một giải lớn (Euro, World Cup, Copa America), cầu thủ trẻ nhất chơi trận chung kết và dĩ nhiên là cầu thủ trẻ nhất từng vô địch.

Về phía tuyển Anh, lối đá của Tam sư đã khởi sắc rõ rệt từ khi huấn luyện viên Southgate tin dùng Mainoo đá chính. Trong ba trận đầu tiên ở vòng bảng, tiền vệ 19 tuổi này phải ngồi dự bị, và tuyển Anh chịu nhiều chỉ trích về lối chơi nghèo nàn. Từ vòng 16 đội, khi Mainoo được xếp đá chính, kết hợp với Rice thành cặp tiền vệ trung tâm, đội bóng của Southgate chơi sắc nét và đáng sợ hơn hẳn.

Mainoo là cầu thủ trẻ thứ ba từng ra sân đá chính cho tuyển Anh ở vòng knock-out một giải đấu lớn. Anh còn lập kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất đá chính cho Tam sư ở vòng bán kết Euro hoặc World Cup.

Yamal, Nico Williams và Mainoo có một điểm chung: sinh trưởng trong những gia đình dân nhập cư. Yamal có bố là người Morocco, mẹ là người Guinea Xích đạo. Phụ huynh của Nico Williams đều là người Ghana, và anh ruột của Nico vẫn đang chơi bóng cho đội tuyển Ghana. Giống như Nico, Mainoo cũng có bố mẹ là người Ghana.

Morocco, Guinea Xích đạo hay Ghana đều có nền bóng đá kém phát triển hơn Tây Ban Nha và Anh. Nếu không được di cư đến các quốc gia này, gần như chắc chắn cả ba cầu thủ kể trên sẽ không thể làm thế giới phát cuồng và ngả mũ ở độ tuổi rất trẻ như hiện tại.

Câu chuyện của Yamal, Nico Williams và Mainoo khẳng định rằng môi trường và quá trình đào tạo ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của một tài năng. Nếu không có điều kiện tốt, viên ngọc thô khó lòng tỏa sáng.

Bên cạnh đó, thành công của ba ngôi sao này ở các quốc gia phát triển hơn cũng cho thấy nguy cơ chảy máu tài năng, chất xám trong thời đại thế giới phẳng. Các quốc gia sẽ phải cạnh tranh gay gắt để có được nhân tài. Trong cuộc chơi đó, nước sẽ chảy chỗ trũng, các quốc gia kém phát triển hơn tất nhiên sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Ngay cả khi sự phát triển đồng đều, chỉ cần sơ sảy cũng lập tức mất người tài.

Những người làm bóng đá Anh có lẽ thấm thía điều này hơn ai hết. Musiala, tài năng lớn nhất của tuyển Đức ở Euro 2024, từng chơi cho Anh đến tận cấp độ U21. Nhưng sau đó, đích thân Joachim Loew (huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Đức khi ấy) và Giám đốc Học viện Bayern Munich đã gặp Musiala, vạch ra lộ trình rõ ràng để anh vào đội một của Bayern Munich và đội tuyển Đức. Sự trọng thị này khiến Musiala thay đổi quyết định, chọn màu cờ Đức để cống hiến.

Có một mối liên quan không hề nhỏ giữa dòng chảy người nhập cư và câu chuyện sở hữu các tài năng ngoài biên giới. Việt Nam chưa phải là quốc gia phát triển, chưa hình thành "chỗ trũng" hút người tài. Nhưng các chính sách ngắn hạn có thể phát huy tác dụng. Chẳng hạn, trong bóng đá là việc mở cửa cho vấn đề nhập tịch cầu thủ. Nhưng nhìn từ Euro trở lại Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta quá khắt khe trong việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Hơn một thập kỷ qua, không còn cầu thủ nhập tịch nào được gọi lên đội tuyển quốc gia, dù không ít người có cả vợ là người Việt hoặc đã gắn bó lâu dài với đất nước này. Ngay cả những người gốc Việt như thủ thành Filip Nguyễn cũng phải rất khó khăn, mất nhiều năm mới có được quốc tịch của quê cha.

Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch không chỉ nâng cao chất lượng đội tuyển mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của các cầu thủ bản địa. Các cầu thủ trẻ trong nước sẽ có cơ hội học hỏi từ những đồng đội tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới, từ đó nâng cao trình độ và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Đã đến lúc Việt Nam cần có cái nhìn mới mẻ và cởi mở hơn về việc sử dụng "ngoại binh", không chỉ trong bóng đá. Trong thời đại mà việc di cư, đặc biệt với người có trình độ, rất dễ dàng, đất nước không thể lãng phí nguồn nhân lực quan trọng này. Việt Nam cần cải cách và có giải pháp thu hút chuyên gia trong các lĩnh vực.

Ngay đến các nước phát triển cũng có chương trình thị thực (visa) để hút nhân tài. Người giàu, chủ doanh nghiệp tài năng sẽ có các loại visa đầu tư; người có trình độ chuyên môn, tay nghề lại có visa tay nghề; người có tài năng đặc biệt thì có global talent visa (visa tài năng toàn cầu) với nhiều ưu đãi... Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể trong lĩnh vực này.

Một vài người bạn của tôi được Australia "trải thảm" cấp global talent visa và đã di cư đến quốc gia này làm việc, sinh sống. Tôi luôn cảm thấy tiếc khi để chảy máu chất xám như vậy.

Euro 2024 đã chứng minh rằng tài năng có thể đến từ bất cứ đâu và sẽ tỏa sáng nếu được đặt vào môi trường phù hợp. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc thu hút và giữ chân nhân tài là vô cùng quan trọng. Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc chơi này. Chúng ta cần học hỏi từ các quốc gia khác, cải thiện chính sách nhập tịch và thu hút nhân tài. Chỉ khi đó, đất nước mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực con người, nâng cao chất lượng bóng đá cũng như các lĩnh vực khác, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ.

PHAN TẤT ĐỨC/VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Euro 2024 và nhân tài nhập tịch
    ss