Bây giờ nhìn con cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chị Thơ càng hoang mang. Biết thế này, chị đã chẳng ép con học nhiều làm gì.
Khi cái Diệu chuẩn bị lên lớp 9, chị Thơ lên kế hoạch tìm giáo viên cho con học nhóm và học gia sư để con thi đỗ trường công lập xịn nhất huyện. Suốt ba tháng hè, con bé không được nghỉ. Trong khi các bạn được đi du lịch cùng gia đình, đi học bơi, đi trại hè trải nghiệm... thì Diệu phải học suốt ngày. Chị Thơ cho rằng thi vào trường cấp ba công lập còn khó hơn cả thi đại học nên chị ép con học một môn những ba giáo viên. Khi vào năm học, lịch học ở trường và học gia sư chồng chéo. Diệu mệt quá, người lúc nào cũng như bị “đơ”, mắt lờ đờ như buồn ngủ. Lúc đầu chị Thơ phát hiện con hay ngủ gật trên bàn học thì còn mắng con nhưng đến khi con bé thú nhận: “Con mệt lắm! Con sắp không chịu được rồi mẹ ơi” thì chị mới giật mình, lo lắng.
Chị vội vàng xin nghỉ việc để đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận Diệu bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, có dấu hiệu trầm cảm nhẹ, cần được gia đình đặc biệt quan tâm và điều trị về mặt tâm lí. Chị Thơ hoang mang, tự trách mình đã ép con học nhiều quá để ra nông nỗi này. Chị cứ nghĩ ép con học thì con sẽ nhanh tiến bộ, nào ngờ lại phản tác dụng. Không biết rồi con gái sẽ thi cử thế nào?
Nhớ lại hồi đầu năm học, nhìn bảng điểm khảo sát của con, chị Thơ càng sửng sốt khi thấy kết quả của Diệu lẹt đẹt, đứng gần cuối lớp. Bình thường con bé là đứa hoạt bát, vui tươi, rất hay học hỏi. Cái gì không biết nó đều hỏi bố mẹ nhưng quả thật mấy tháng nay con bé không hỏi han, trò chuyện gì mấy với các thành viên trong gia đình. Nó cứ lầm lầm lì lì, hễ đi học thì thôi chứ về đến nhà là lại chui tọt vào phòng riêng, khóa trái cửa lại. Chị Thơ có sai nó nấu ăn thì nó vùng vằng: “Con phải làm bài tập”. Hết bài ở lớp lại đến bài ở nhóm, bài gia sư giao. Nó quay như chong chóng trước một đống sách vở và các ca học liên miên, thậm chí chuyển ca chỉ cách nhau 10 phút, không đủ để ăn lót dạ. Nhiều lần nó ngồi học trong tình trạng bụng đói meo, sôi sùng sục. Cơ thể nó càng ngày càng suy nhược, giảm cân rõ rệt nhưng chị Thơ nghĩ con gái sợ béo nên ăn kiêng. Kỳ thực, Diệu mệt mỏi và khó chịu trong người nên ăn uống không ngon miệng. Mỗi khi nó than mệt, ăn ít hay bỏ bữa là chị Thơ lại nghĩ con gái làm nũng, lười học, không muốn đi học. Chị càng ép nó ăn và học để nó không có thời gian kêu ca, nằm dài ra giường hay chơi điện thoại, lướt máy vi tính.
Chiến thuật của chị Thơ thật lạ lùng, mỗi môn chị thuê tận ba giáo viên kèm con, cứ nghe ai giới thiệu thầy cô nào giỏi là chị đăng kí ngay cho con, người thì kèm trực tiếp, người kèm online nên hôm nào Diệu cũng phải học từ sáng sớm đến khuya. Nó không còn thời gian để tự ôn bài, tự học mà triền miên trong những ca học nối tiếp nhau. Đến cả sinh nhật mình, Diệu cũng không được nghỉ học buổi tối để cả nhà tổ chức vui vẻ, đầm ấm như hồi nó học tiểu học. Chị Thơ mua cho con mấy đồ dùng học tập làm quà và nhắc con đi học đúng giờ. Chiếc bánh ga tô để chỏng chơ trên bàn, không ai buồn động đến vì cả nhà không thích ăn đồ ngọt. Các bạn của Diệu cũng không được mời vì chị Thơ bảo “mất thời gian”. Chưa năm nào Diệu thấy sinh nhật mình lại buồn tẻ như vậy. Nó ôm cặp đi học mà đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ. Từ hôm ấy nó càng ít nói, chẳng khác nào đứa tự kỉ.
Bây giờ nhìn con cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chị Thơ càng hoang mang. Biết thế này, chị đã chẳng ép con học nhiều làm gì. Chị vội giảm bớt các ca học gia sư để Diệp có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và cân bằng tâm lí. Sức khỏe còn quan trọng hơn việc học nên chị Thơ dành tâm sức để đồng hành cùng con, giúp con khỏi bệnh để luôn vui tươi và yêu đời.
NAM HỒNG