Mặc dù đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng nhiều HTX vẫn chậm đổi mới, thiếu vốn, dịch vụ nghèo nàn... nên chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.
Phần lớn các HTX rơi vào tình trạng "khát vốn" nên chỉ làm dịch vụ cung ứng vật tư hoặc một phần dịch vụ bao tiêu sản phẩm
Chậm đổi mới
Nhiều HTX được thành lập từ lâu nhưng tới giờ vẫn loay hoay trong việc đổi mới, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Các HTX chưa liên kết được với doanh nghiệp để tham gia vào các chuỗi sản xuất sạch, an toàn giúp các thành viên tăng thu nhập.
Trước đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Thanh Hải làm 6 khâu dịch vụ nhưng sau khi chuyển đổi chỉ còn 4khâu gồm: thủy nông, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bảo vệ đồng ruộng và vệ sinh môi trường. Ông Hoàng Minh Đối, Giám đốc HTX thừa nhận: "HTX chậm đổi mới so với yêu cầu đặt ra, dịch vụ nghèo nàn hơn trước. Ít vốn, thiếu nhạy bén với thị trường nên dù muốn mở thêm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng HTX không thể làm được. Lợi nhuận từ các khâu dịch vụ chỉ vừa đủ trả tiền công, HTX còn không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho các thành viên thì lấy đâu vốn để làm thêm các dịch vụ khác".
HTX DVNN xã An Lâm (Nam Sách) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2014, HTX bao tiêu toàn bộ diện tích lúa Nhật của nông dân trong xã nhưng đến năm 2016 buộc phải ngừng do hiệu quả không cao. Xã An Lâm có thế mạnh về trồng hành nhưng HTX chưa thể đứng ra bao tiêu sản phẩm. "HTX không thể kết nối được với doanh nghiệp thu mua. Hơn nữa, HTX không thể cạnh tranh với tư thương trong lĩnh vực này do cần nguồn vốn quá lớn. Năm 2018, HTX được Liên minh HTX tỉnh chọn tham gia mô hình HTX kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị, nhưng cũng chỉ có vai trò trung gian kết nối thu mua giữa doanh nghiệp với nông dân chứ chưa có nhiều đổi mới so với trước", ông Mạc Văn Tăng, Giám đốc HTX DVNN An Lâm nói.
Nhiều vướng mắc
Khác với mô hình HTX kiểu cũ, hoạt động của HTX kiểu mới gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Sau khi đăng ký lại theo luật mới, nhiều HTX đã tổ chức bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn. Công tác quản lý tài chính, tài sản từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, phần lớn HTX đều gặp khó khăn trong cung ứng sản phẩm, tiếp cận vốn do không có tài sản thế chấp; quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trình độ quản lý hạn chế. Hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp, lạc hậu. Ít doanh nghiệp liên kết bảo đảm đầu vào, đầu ra...
Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh mới chọn được 7 HTX điển hình để xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị gồm các HTX Tân Minh Đức, Thủy sản Xuyên Việt; HTX DVNN các xã Lê Lợi (Gia Lộc), Đức Chính (Cẩm Giàng), Đồng Lạc, An Lâm (Nam Sách) và HTX Dịch vụ sạch Nam Vũ (Thanh Hà). Tuy nhiên, các HTX này vẫn còn lúng túng trong tham gia liên kết. Nhiều HTX đang "khát vốn" để mở rộng sản xuất nhưng không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp. Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ, các HTX có thể vay tín chấp tối đa là 1 tỷ đồng nhưng thực tế chưa HTX nào vay được tới mức này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh, các HTX cần đào tạo thêm nghề, kỹ năng tiếp cận thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ miễn phí chứng nhận VietGAP cho HTX để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng; hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm, nhất là các sản phẩm an toàn được chứng nhận.
Để các mô hình HTX kiểu mới có thể phát triển, nhân rộng, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX 2012; nghiên cứu chính sách mới phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các HTX kiểu cũ chuyển đổi sang HTX kiểu mới. Xây dựng các HTX có quy mô thành viên lớn hơn, làm dịch vụ đầu ra...
TRẦN HIỀN