Đường bộ quá tải - đường sắt, đường sông chưa tròn vai. Bài 2: Đường sắt lạc hậu

13/09/2019 17:04

Đường sắt qua khu vực Hải Dương chậm phát triển, hiệu quả khai thác không cao, không cạnh tranh được thị phần vận tải hàng hóa, hành khách so với đường bộ.

>>Bài 1: Những con đường chật kín xe


Ga Hải Dương lớn nhất trong hệ thống đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua tỉnh nhưng luôn trong tình trạng vắng khách 

Vắng khách

Khoảng 20 năm về trước, muốn vận chuyển hàng hóa, hành khách đi từ Hải Dương đến Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn hoặc xa hơn như vào miền Trung, miền Nam, rất nhiều người lựa chọn tàu hỏa. Ga Hải Dương, Phú Thái, Cẩm Giàng... luôn tấp nập hành khách, người đưa đón, buôn bán và bốc xếp hàng hóa. Để có thể chuyển hàng hoặc mua vé, nhiều người phải đến sớm xếp hàng.

Nhiều ngành phụ trợ khác như đưa đón hành khách, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ ăn uống... cũng phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho không ít người. Khi đó, đường bộ, hàng không giá rẻ chưa phát triển nên ngành đường sắt chiếm giữ vị trí độc tôn.

Hiện nay, các chuyến tàu, nhà ga luôn trong tình trạng vắng vẻ. Tại Hải Dương, có nhà ga cả ngày không có hành khách lên xuống tàu hoặc có hoạt động bốc xếp hàng hóa. Từng nhiều năm công tác trong ngành đường sắt, nhà ở gần ga Cẩm Giàng nên ông Nguyễn Văn T. nhìn thấy rất rõ sự đi xuống trong lĩnh vực vận tải của ngành này.

"Trước đây khi tàu vào ga, khách xuống là 2 bên cửa ga xe ôm đã xếp 2 dãy dài để vẫy khách. Nhưng nay ở ga Cẩm Giàng chỉ còn 1- 2 người làm nghề này. Theo tôi, ngành đường sắt đang đi xuống", ông T. cho biết. Các tuyến đường sắt hiện mới chỉ khai thác được chưa đầy 50% năng lực hiện có.

Qua tỉnh Hải Dương hiện có 3 tuyến đường sắt dài 73 km, gồm Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Hạ Long và Bến Tắm - Phả Lại. Trong đó, tuyến Kép - Hạ Long (qua TP Chí Linh) thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, kinh phí đầu tư trên 7.600 tỷ đồng, khởi công từ năm 2005 nhưng đã dừng thi công.

Theo rà soát của Bộ Giao thông vận tải, nếu tiếp tục triển khai, dự án không những không phát huy hiệu quả nguồn vốn mà còn có thể gây ra một số thiệt hại. Tuyến Bến Tắm - Phả Lại là đường sắt chuyên dùng phục vụ cho Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại.

Hiện chỉ có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là tuyến trọng điểm dài 47 km. Toàn tuyến Hà Nội - Hải Phòng có 18 nhà ga, đi qua 4 tỉnh, thành phố thì Hải Dương có tới 7 ga là Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá và Phú Thái. Các tuyến đường sắt với khổ đường ray 1 m, tàu có vận tốc trung bình 50 km/giờ, không thay đổi so với cách đây 118 năm khi người Pháp xây dựng.

Năng lực yếu

Đại diện một số nhà ga tại Hải Dương thừa nhận thiếu sự kết nối giữa đường sắt với đường bộ, đường sông là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả khai thác của ngành đường sắt không cao. Đầu tư vào đường sắt cần nguồn kinh phí rất lớn, hầu hết trông chờ vào Nhà nước.

Các kho bãi, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại nhà ga không phát triển dẫn tới thị phần vận tải của ngành bị thu hẹp trước sự bùng nổ của vận tải đường bộ.

Ga Hải Dương lớn nhất nhưng hiện vẫn thiếu máy móc và mặt bằng nên chỉ xếp dỡ được hàng rời bằng thủ công, không đủ tiêu chuẩn bốc xếp hàng hóa có trọng lượng lớn hay container. Thậm chí nếu có mặt bằng cũng không có đường vào để vận chuyển hàng hóa rời ga.

Anh Lê Vũ Việt ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) chuyên thu mua vải vụn thanh thải trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp da giày, may mặc. Mỗi tuần anh vận chuyển từ 7-10 tấn đã đóng gói 1 tấn/kiện chuyển đi Hải Phòng.

Cách đây vài ngày, sau khi thu gom vải vụn ở TP Hải Dương, nhân viên của công ty liên lạc với một đơn vị vận tải hàng hóa đường sắt tại ga Hải Dương để làm hợp đồng vận chuyển. Đơn vị này cho biết chỉ nhận chuyển được hàng rời từ 70 kg trở lại/đơn hàng.

Còn hàng đóng gói nặng không có máy nâng và không có mặt bằng tập kết, bốc xếp. Anh Việt cho biết: Vận chuyển bằng đường bộ phát sinh nhiều chi phí cầu đường, thuê xe, thậm chí có rủi ro. Còn đường sắt có lợi thế là an toàn cho hàng hóa, con người.

Với hệ thống nhà ga nhiều như ở Hải Dương hiện nay, nếu cải tạo được hạ tầng như đường vào, kho bãi lưu hàng, thiết bị bốc xếp... chắc chắn nhiều đơn hàng lớn sẽ được gửi qua đường sắt. Nhưng họ chưa đáp ứng được yêu cầu này nên doanh nghiệp buộc phải lựa chọn phương tiện khác.

Trong khi các tuyến đường sắt hiện có chậm phát triển thì vừa qua ngành đường sắt Việt Nam tiếp tục quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương. Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch dự kiến, tuyến đường sắt này đi qua địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Thanh Hà.

Một cán bộ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thừa nhận mặc dù chi phí vận chuyển thấp so với đường bộ nhưng tốc độ chạy tàu hiện nay thấp, lạc hậu, khả năng kết nối kém nên đường sắt mất dần thị phần.

Cũng như ở các tỉnh, thành phố khác, hệ thống đường sắt tại Hải Dương, nhất là các đầu mối của đường sắt từ Hà Nội đi Hải Phòng cần cải tạo, mở rộng kho bãi, nâng cao năng lực bốc xếp, xây dựng đường vào đủ rộng và kết nối được với giao thông đường bộ.

"Người xuống tàu, hàng xuống tàu là có thể lên ngay phương tiện đường bộ. Hàng đến sân ga, người đến ga là có thể lên tàu. Đây là điều ngành đường sắt rất mong muốn nhưng khó triển khai vì mức đầu tư rất lớn và do một số rào cản khác", vị cán bộ này nói.

TIẾN HUY

Kỳ sau: Lãng phí tiềm năng đường sông

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường bộ quá tải - đường sắt, đường sông chưa tròn vai. Bài 2: Đường sắt lạc hậu