Tài chính là vấn đề khiến cho nhiều cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Mọi chuyện sẽ nghiêm trọng hơn nếu người vợ chỉ ở nhà nội trợ.
Thủy bất lực nhìn theo bóng lưng của chồng. Cánh cửa vừa khép lại, cô bật khóc nức nở. Chưa bao giờ cô thấy mình tủi thân, bất lực và yếu đuối như lúc này.
Tháng này hai bé Thóc và Gấu cứ ốm liên miên, hết viêm phế quản lại đến sốt virus. Số tiền Mạnh đưa không đủ cho cô trang trải tiền thuốc cho con và tiền sinh hoạt của cả nhà.
Thủy bảo Mạnh đưa thêm cho cô vài triệu, thế là anh bắt đầu cáu. Anh chì chiết vợ chi tiêu hoang phí, không biết thương chồng ra ngoài kiếm tiền vất vả, rồi thì cô không làm ra tiền, nên cứ thế tiêu không biết xót. Mạnh còn bảo vợ ở nhà có mỗi việc chăm con mà cũng không xong, để hai đứa trẻ bệnh tật, ốm đau liên miên.
Thủy ấm ức quá nên nói lại chồng. Hàng tháng, anh đưa cho vợ 12 triệu đồng, cô phải lo tiền ăn của cả nhà bốn người, tiền tã, tiền sữa cho hai đứa con, bé lớn gần 3 tuổi, bé út mới 9 tháng.
Số tiền đó ở quê thì nhiều, nhưng ở thành phố đắt đỏ này chẳng thấm vào đâu. Những tháng con không ốm đau thì còn tạm đủ, chứ hai đứa mà thay nhau ốm như tháng này thì số tiền Mạnh đưa chỉ xoay sở được nửa tháng là hết.
Đó là chưa kể đợt bé Thóc bị viêm phế quản, cô đem con sang cho chị hàng xóm là bác sĩ nhi khoa khám, rồi cứ thế đi mua thuốc. Nể tình hàng xóm láng giềng, chỉ chỉ lấy một chút tiền khám cho Thủy đỡ ngại, đợt đó mà đem con vào viện, khéo lại mất thêm một khoản nữa.
Sau khi sinh con đầu lòng, hết nghỉ thai sản theo quy định, Thủy vẫn đi làm bình thường. Nhưng con mới hơn một tuổi, cô đã mang bầu bé thứ hai, bầu được bảy tháng thì Thủy bị động thai, phải ở nhà từ đó đến giờ, tính ra cô cũng ở nhà gần một năm. Dịch bệnh phức tạp, bé Thóc chưa đi học được, cũng chẳng có ai nhận trông cu Gấu, không biết bao giờ cô mới có thể đi làm.
Một năm trước, công việc kinh doanh của Mạnh khá ổn, nên khi vợ sinh đứa thứ hai, anh động viên Thủy ở nhà chăm con cho tốt, đợi con cứng cáp hẳn rồi hãy đi làm. Nhưng dịch bệnh ập đến, thu nhập của Mạnh giảm đáng kể, từ đó gia đình bắt đầu xào xáo.
Muốn có một gia đình trọn vẹn, hai vợ chồng phải cùng nhau vun đắp
Chưa kể, suốt mấy tháng dịch bệnh, giãn cách liên miên, Mạnh chỉ ở nhà, tình hình càng xấu hơn. Anh không thạo việc nhà, cũng chẳng thích chơi với con.
Vừa tối mặt tối mày với hai đứa con, lại hầu thêm ông chồng khó tính, suốt ngày đòi hỏi phải ăn món nọ, món kia, Thủy bực bội và cáu gắt liên tục, không khí gia đình luôn căng thẳng.
Càng nghĩ, Thủy càng thấy tủi thân, giờ cô chỉ mong trường mầm non, nhà trẻ mở cửa trở lại để cô có thể cho các con đi lớp rồi tìm việc làm.
Không chỉ trong đại dịch, mà ngay những ngày bình thường, nhiều bà mẹ vì chăm con nhỏ mà phải nghỉ việc, hoặc chọn một công việc nhẹ nhàng hơn để lo cho gia đình.
Trong lúc này, nếu người chồng không cư xử một cách khéo léo, thể hiện sự quan tâm tới vợ, người phụ nữ sẽ cảm thấy rất cô độc và tủi thân, có người còn sinh chứng u uất, trầm cảm.
Nhiều người đàn ông cho rằng đóng góp trong gia đình đơn thuần là đóng góp về tiền bạc, đơn giản là đi làm, dùng tiền lương chi dùng cho các khoản sinh hoạt phí gia đình. Nhưng ở nhà làm nội trợ cũng là đóng góp cho gia đình. Chỉ khác nhau ở chỗ: một bên đóng góp bằng tiền, một bên đóng góp bằng sức lao động. Người vợ gác lại việc làm để chăm con nhỏ, chu toàn gia đình chính là đang chọn lùi về phía sau để chồng có thể an tâm phát triển sự nghiệp.
Nếu người chồng cho rằng vợ mình kém cỏi nên mới ở nhà và việc nhà rất đơn giản, người ra ngoài kiếm tiền mới mệt mỏi; người vợ lại nghĩ mình đang chịu thiệt khi lùi về phía sau, phải chấp nhận hy sinh, thì cả hai sẽ sống trong một cuộc hôn nhân ngột ngạt.
Đã kết hôn, cùng nhau xây dựng gia đình, hãy đặt mình vào vị trí của người kia để nhìn mọi việc thấu đáo. Đừng khư khư suy nghĩ mình là kẻ khổ sở, còn bạn đời đang sung sướng, nhàn hạ...
Theo Người lao động