Đừng thả “nỗi sợ hãi” ra đường

20/04/2022 08:42

Trông người lại ngẫm đến ta, tôi tự hỏi bao giờ thì Hải Dương sẽ có những biệt đội như thế, để mỗi khi ra đường chúng ta có thể an toàn hơn?

Mới đây đọc báo tôi thấy một thông tin rất thú vị: TP Hà Nội sẽ lập đội bắt chó thả rông ở tất cả 175 phường thuộc 12 quận nội thành, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đây vẫn chưa phải là địa phương đi đầu trong việc này. TP Hồ Chí Minh đã thành lập đội săn bắt chó thả rông từ năm 2017.

Điều 603 Bộ luật Dân sự quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa. Còn theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 18.2.2020, sẽ phạt từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng… Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật thì quy định người nuôi chó tại các đô thị, nơi đông dân cư phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường…

Quy định pháp luật là vậy nhưng thực tế nhiều người nuôi chó không thực hiện. Nếu được hỏi, chắc không nhiều đại diện chính quyền cấp xã nắm được ở địa phương mình có bao nhiêu nhà nuôi chó hoặc có nắm cũng chưa phải là con số đầy đủ. Việc nuôi chó vốn là một thói quen của nhiều gia đình. Họ coi nuôi chó, nuôi mèo là việc bình thường nên trừ khi đăng ký tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi, còn nếu không họ cũng chẳng khai báo với chính quyền làm gì. Nhiều nhà nuôi chó không chỉ để trông giữ nhà mà còn coi chúng như một người bạn thân thiết, nhưng đối với những người lạ nó lại là một "hung thần". Hiện nay, nhiều người ở đô thị thường có thói quen dắt chó đi dạo nhưng không đeo rọ mõm. Thậm chí đến những nơi có bãi đất trống còn thả chó ra để chúng tự do thám thính, giải quyết “nỗi buồn”… Việc này khiến không ít gia đình sống gần đó bức xúc, phần vì ô nhiễm môi trường, phần vì sợ chó cắn. Ở nông thôn, nhiều nhà vẫn nuôi chó thả rông, ít khi xích. Và lũ chó tự do chạy nhông nhông ngoài đường chính là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn khi người đi đường không may đâm phải chúng…    

Rõ ràng việc thả rông, không cho chó đeo rọ mõm khi đưa ra đường… đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế việc thực thi những quy định này chưa nghiêm. Thế nên mới có chuyện chính quyền một số địa phương phải thành lập những đội chuyên bắt chó thả rông như cách mà Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã và đang làm. Thiết nghĩ, Hải Dương cũng nên có những đội như vậy bởi nếu chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của những người nuôi chó thì sẽ rất khó dẹp bỏ những nỗi sợ hãi, ám ảnh, nguy hiểm rình rập từ chó thả rông.    

KIM THANH (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng thả “nỗi sợ hãi” ra đường