Khi nói tăng ca trong công việc, ai cũng nghĩ ngay đến khối sản xuất mà ít ai để ý đến khối văn phòng, công sở cũng tăng ca dù không phải lúc nào cũng được yêu cầu.
"Hết việc chứ không hết thời gian" là khẩu hiệu làm việc của nhiều văn phòng công sở ngày nay. Người lao động (NLĐ) cũng mặc định nghĩ rằng việc tích cực tăng ca làm cho hết việc chắc chắn được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc "siêng" tăng ca mà "lười" lên kế hoạch cho công việc cũng như kế hoạch phát triển cho bản thân, đang khiến nhiều người rơi vào ngõ cụt trong sự nghiệp.
Muôn vàn lý do
Là quản lý của một công ty tổ chức sự kiện, Hoàng Lê Ly (26 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết môi trường làm việc khiến cô và các nhân viên công ty tăng ca liên tục. Với đặc thù nghề tổ chức sự kiện, Ly thường xuyên đi theo các sự kiện để chuẩn bị, vì vậy áp lực rất lớn về mặt thời gian. Cô gái trẻ kể rằng có nhiều hôm làm sự kiện khởi công hay khánh thành công trình xây dựng, 8 giờ sáng bắt đầu làm lễ thì đêm hôm đó cả nhóm phải thức trắng đêm mới kịp, mọi thứ chỉ xong trước khi buổi lễ chính thức diễn ra khoảng hơn một giờ. "Tăng ca thường lắm nên không còn thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Nhiều khi lên văn phòng nhìn thấy ai cũng uể oải, mất sức sống, đổ gục lên bàn làm việc ngủ ngon lành. Cảm nhận rất rõ sức khỏe của anh em trong công ty xuống nhanh khủng khiếp. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhân sự của công ty liên tục biến động do áp lực công việc quá lớn" - Ly nói.
Nhân viên nên coi trọng giờ giấc và quản lý tốt thời gian biểu của mình
Dù là công ty dịch vụ chăm sóc khách hàng, phục vụ khách hàng từ 8 giờ đến 17 giờ nhưng đã 21 giờ, hơn một nửa nhân viên công ty A (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa rời chỗ làm việc. Nhiều nhân viên tại đây cho biết chuyện này chẳng có gì lạ bởi lâu nay công ty vẫn thế, dù thời gian làm việc trong nội quy là từ 7 giờ 45 phút đến 18 giờ. Chị Hoàng Uyên Vy, nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty, chia sẻ: "Em cũng muốn về sớm lắm nhưng về đúng giờ thì gặp ngay cao điểm kẹt xe, khói bụi. Em độc thân nên có thể mua đồ lót dạ tạm thời và ngồi lại làm chút việc cho thoải mái". Vy thú nhận rằng ở lại công ty làm việc để chủ yếu "giết" thời gian.
Câu chuyện của Ly, Vy không phải là cá biệt. Hiện nhiều bạn trẻ tại các thành phố lớn xem văn phòng, công sở làm việc như là nhà của mình và dành phần lớn thời gian để làm việc hoặc đơn giản chỉ để giải trí. Họ có muôn vàn lý do để ở lại, để tăng ca nhưng nhiều chuyên gia nhân sự cho đó là sự tăng ca "mù quáng".
Sắp xếp công việc thiếu khoa học
Bà Lê Thị Như, Giám đốc nhân sự Công ty CP Việt Hàn JSC (TP Hồ Chí Minh), nhìn nhận các bạn trẻ thích tăng ca dù công ty không bắt buộc là do các bạn chưa biết bố trí, sắp xếp công việc sao cho khoa học, theo tiến trình thời gian. Hay nói cách khác là các bạn không có kỹ năng quản lý thời gian. "Nhiều bạn sáng vào văn phòng loay hoay ăn sáng, trang điểm, tám chuyện đến tận trưa mới chịu vào việc thì việc đã dồn nhiều. Một số bạn lại không tập trung công việc để đến khi quản lý cần thì "vắt chân lên cổ chạy", rồi phải làm thêm giờ" - bà Như chia sẻ.
Vị chuyên gia nhân sự này còn cho rằng việc nhân viên nghĩ có thể dùng sự siêng năng để thể hiện năng lực làm việc mạnh mẽ nhưng lại không biết rằng tăng ca "mù quáng" trong một thời gian dài chỉ khiến bản thân dễ đi vào ngõ cụt.
Một ngày chỉ có 24 giờ, nếu làm việc hơn một nửa thời gian đó là nỗ lực vô vị, là tăng ca không có kế hoạch. Không có mục tiêu thực sự, liều mạng làm việc chỉ khiến sức lực cạn kiệt, đầu óc mệt mỏi. Nếu không chấm dứt hay cải thiện sớm, vòng tròn đó sẽ lặp đi lặp lại khiến NLĐ càng rơi vào trạng thái mệt mỏi dẫn đến kiệt sức hoặc biến thể sang những trạng thái tâm lý nặng hơn.
Bận rộn một cách không cần thiết sẽ khiến NLĐ không còn thời gian để chăm sóc bản thân, không có thời gian cho cuộc sống riêng và vô hình trung không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng. Nên nhớ rằng ở nơi làm việc, dù ngồi ở vị trí nào cũng nên phát triển từng ngày thì mới có một sự nghiệp vững chắc.
Theo Người lao động