Được yêu hay bị từ chối, dù thế nào cũng phải biết trân trọng cảm xúc của mình, đừng dễ dãi nói lời yêu.
Đã không biết bao nhiêu lần, có lẽ cô giáo Duyên cũng không đếm xuể số lần mình giảng bài "Tôi yêu em" của nhà thơ Puskin. Tôi yêu em, được giới yêu văn chương cho rằng là kiệt tác, bản giao hưởng của một tình yêu nhiệt tình đầy trắc trở. Puskin là nhà thơ ám ảnh bởi chữ tình, trong đó “Tôi yêu em” là tác phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến nhất, là bài thơ tình hay nhất, đậm đà ý vị nhất của Puskin, sáng tác năm 1829. Bài thơ đã được phổ nhạc thành ca khúc, được đánh giá là tác phẩm "hoàn hảo" nâng tầm vóc Puskin lên đài vinh quang thi ca Nga.
Cô nhấn mạnh với học trò của mình, lứa tuổi đẹp nhất rằng, được yêu hay bị từ chối, dù thế nào cũng phải biết trân trọng cảm xúc của mình. Đừng dễ dãi nói lời yêu. Tình yêu phải được gửi trao đúng nơi xứng đáng. Nếu ngày nào lòng còn có thể rung động: người phụ nữ còn thấy mình trở nên nhỏ bé, muốn dựa dẫm vào ai đó; người đàn ông thấy mình mạnh mẽ, muốn che chở cho đối phương... thì đó là điều thật sự rất đáng trân trọng.
Bởi, điều đau khổ không phải là không có người yêu, mà đau đớn nhất chính là không thể yêu được nữa.
Chợt nghĩ, nếu ta quay lại những tháng năm mười tám đôi mươi, khi đang trong tuổi đẹp nhất của đời người, liệu ta có còn rung động trước người ấy không? Quay lại, với trái tim ngây thơ? Hay quay lại với cảm xúc đã quá nhiều va đập?
Hỏi để mà hỏi thế thôi. Có ai làm được đâu. Đời người, ngoảnh đi ngoảnh lại đã sang dốc bên kia, chẳng mấy mà như chiếc lá úa. Vậy nên, làm được gì cứ làm, kiếm tiền thì cứ kiếm, học được cứ học, yêu được thì cứ yêu đi. Người ta chỉ nên ân hận về việc mình chưa làm, chứ không nên ân hận về những chuyện mình đã làm.
Với mỗi lứa học trò, cô Duyên đều muốn chia sẻ, gửi thông điệp về tình yêu, tình bạn qua mỗi tiết học Văn. Để môn Văn không nhàm chán, những tác phẩm kinh điển không còn là nỗi sợ của học sinh, cô Duyên dùng những câu chuyện thực tế để truyền tải tới thế hệ trẻ về một tình yêu trong sáng, đẹp nhưng cũng đầy mãnh liệt. Cô không cấm đoán, cũng không khuyến khích mà chỉ đưa ra những góc nhìn để các em thấy được bản thân mỗi người cần phải làm gì, hành xử ra sao với cảm xúc, với tình cảm và có trách nhiệm với chính bản thân mình để không xẩy ra tình huống “hối tiếc”, sự giằng xé, mâu thuẫn trong nội tâm khi yêu chính là cảm xúc đầu tiên và mãnh liệt nhất:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Theo VTC