Đừng bỏ bê bữa cơm gia đình

28/06/2017 10:57

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28.6.2017) có chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.



Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh có nhiều hoạt động nhằm trang bị cho chị em kiến thức, kỹ năng để nấu những bữa cơm đầm ấm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong ảnh: Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang tổ chức Hội thi "Gia đình điểm 10". Ảnh: Thảo Nguyễn


Chủ đề này đã được duy trì qua một vài năm cho thấy vai trò quan trọng của bữa cơm gia đình trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Bữa cơm không chỉ đơn giản là cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho những người trong gia đình mà còn là nơi tạo tình cảm yêu thương, gắn kết các thành viên lại với nhau. Ngoài ra, bữa cơm là nơi thể hiện sự quan tâm, yêu thương của ông bà, cha mẹ đối với con cháu; con cháu thể hiện sự hiếu kính với đấng sinh thành. Thế nhưng trong nhịp sống hối hả ngày nay, bữa cơm gia đình đã không còn được nhiều người chú trọng. Với nhiều lý do vì công việc bận rộn, không có thời gian, nên những phút giây các thành viên ngồi sum vầy cùng nhau quanh mâm cơm ấm cúng ngày càng ít ỏi và cứ thế vơi cạn dần.

Thời gian gần đây, các thành viên trong gia đình anh Phạm Văn Thuận và chị Vũ Thị Thúy ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) ít khi có dịp ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm. Anh chị đều là công nhân, nhiều lúc thời gian làm việc, tăng ca "lệch pha" nhau. Có những hôm dù đến giờ ăn bữa tối, nhưng chồng vẫn chưa về, nhìn mâm cơm mà chị Thúy không khỏi chạnh lòng. Dù đi làm về muộn nhưng thỉnh thoảng anh Thuận cũng không thể từ chối những lời mời ăn nhậu của bạn bè nên tới khuya mới về tới nhà. Khi về nhà, anh Thuận cũng chỉ kịp ăn tạm bát cơm, không có thời gian hỏi han, trò chuyện với vợ con. Chị Thúy chia sẻ: "Đến giờ cơm tối, thấy những nhà khác sum vầy vui vẻ, tôi cũng buồn. Tôi luôn mong mỏi trong một tuần, các thành viên sẽ có nhiều dịp ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nghe các con tíu tít trò chuyện với mẹ cha".

Chị Phạm Thị Dung ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng rất hay phàn nàn về việc chồng chị thường xuyên vắng nhà, không mấy khi cả gia đình cùng ăn bữa cơm vui vẻ. Do yếu tố công việc nên buổi trưa cả 2 vợ chồng chị Dung đều ăn ở ngoài, các con ăn bán trú trong trường học. Buổi tối, sau giờ tan tầm, chị Dung đảm nhận việc đón con và đi chợ nấu ăn cho gia đình. Chồng chị thường trở về nhà rất muộn do làm ở xa, công việc kết thúc muộn hoặc đi uống rượu bia cùng bạn bè. Thời gian đầu, chị Dung còn chăm chút cho các con ăn cơm trước rồi đợi chồng về cùng ăn cho vui. Nhưng tần suất những lần về muộn của anh ngày càng nhiều hơn và thời gian cũng muộn hơn. Có hôm chờ mãi chồng không về, gọi điện thì anh không nghe, chị Dung nhìn mâm cơm nguội lạnh cũng chẳng buồn ăn, chị lên giường đi ngủ cùng các con. Điều đáng nói là có hôm anh đi nhậu say về nhà lại có những lời lẽ khó nghe, mắng vợ chửi con một cách vô cớ. Nhiều lần chị Dung lựa lời khuyên giải nhưng chồng chỉ ậm ừ, rồi lại vẫn "chứng nào tật ấy". Lâu rồi thành quen, chị và các con cứ ăn cơm trước mặc cho chồng đi đến giờ nào tùy thích.

Chúng ta không khó để nhận thấy các quán nhậu chật kín người chủ yếu là nam giới vào các buổi chiều. Điều này cho thấy không ít đàn ông bỏ bê công việc gia đình, không chung tay giúp đỡ việc nhà với vợ và nhiều gia đình vắng người chồng trong bữa cơm.

Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Trong xã hội ngày nay, bữa cơm gia đình càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Hiện không ít hàng quán mọc lên phục vụ nhu cầu ăn uống nhưng nó không mang lại những phút giây ý nghĩa, ấm cúng như khi các thành viên ngồi quây quần vui vẻ bên mâm cơm gia đình. Nếu các thành viên không ý thức được vai trò quan trọng của bữa cơm gia đình thì sẽ khiến các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo, không gần gũi, ít sẻ chia và dần dần rời xa nhau".

Thời gian qua, vào những dịp như Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10..., các cấp Hội Phụ nữ, Ban nữ công các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm trang bị cho chị em kiến thức, kỹ năng nấu những bữa cơm đầm ấm, giữ gìn hạnh phúc gia đình như giao lưu mâm cơm dinh dưỡng, thi nữ công gia chánh, nói chuyện chuyên đề về hạnh phúc gia đình...

Với vai trò quan trọng của bữa cơm gia đình, các thành viên cần bố trí công việc, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để có thể thường xuyên ngồi cùng nhau sum vầy bên mâm cơm. Những cố gắng dù nhỏ sẽ tạo nên mối quan hệ khăng khít, gắn kết các thành viên, giữ cho hạnh phúc gia đình luôn bền chặt.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng bỏ bê bữa cơm gia đình