Đưa hơn 500 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp vào diện theo dõi ở cấp tỉnh

31/03/2023 15:30

Theo báo cáo, từ khi thành lập đến nay, các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 327 vụ án, 179 vụ việc trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo.


Toàn cảnh hội nghị

Sáng 31.3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1.2023 ngành Nội chính Đảng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, đến tháng 8.2022, 63/63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập. 


Từ đó đến nay, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức được 137 phiên họp của Ban Chỉ đạo và 166 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Qua đó chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được một số kết quả bước đầu tích cực.


Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị

Nhất là, đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò, tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng.

Một số địa phương chủ động, linh hoạt tham mưu thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, qua đó đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng; tham mưu ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý đơn thư, thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực…

Ngay sau khi thành lập, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mạng xã hội ở địa phương quan tâm.


Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải

Đồng thời chú trọng chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đảng viên bị khởi tố, điều tra do tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước;...

Bên cạnh đó, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các nội dung, chuyên đề như: Việc thực hiện một số dự án tại địa phương; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.


Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là: Hà Nội 48 vụ, Thanh Hóa 10 vụ; Ninh Thuận, 10 vụ; Bắc Giang 9 vụ, Đồng Nai 9 vụ…


Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Quý 1.2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can.

“Việc các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và nhanh chóng triển khai có hiệu quả các hoạt động đã thể hiện quyết tâm cao của tỉnh ủy, thành ủy trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân", ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Theo báo cáo, trong quý 1, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đôn đốc, hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, phát hiện qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cùng với đó, các Ban Nội chính đã tham mưu Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm như vụ án Việt Á, vụ FLC, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, vụ án xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm...

Theo VOV-HD

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa hơn 500 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp vào diện theo dõi ở cấp tỉnh