[Audio] Xúc động vở chèo "Chuyện tình bên sông"

21/08/2023 10:20

Là vở chèo dân gian nhưng “Chuyện tình bên sông” của nhà viết chèo, tiến sĩ Trần Đình Ngôn lại ẩn chứa nhiều ngụ ý mang tính thời sự của cuộc sống hiện đại.

00:00


Một phân cảnh trong vở chèo

Là vở chèo dân gian nhưng “Chuyện tình bên sông” của nhà viết chèo, tiến sĩ Trần Đình Ngôn lại ẩn chứa nhiều ngụ ý mang tính thời sự của cuộc sống hiện đại.

Cảm xúc chân thực

Tối 14.8 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Nhà hát Chèo Hải Dương trình diễn vở chèo "Chuyện tình bên sông".

Nội dung xuyên suốt là câu chuyện cảm động về tình yêu của chàng Trúc và nàng Mai. Nàng là tiểu thư khuê các, còn chàng lại là anh lái đò nghèo. Người cha tham lam, tàn ác của nàng Mai (ông phú hộ) ngăn cấm, muốn gả con cho người giàu có, môn đăng hộ đối mà tình yêu của họ gặp nhiều trắc trở. Vượt lên trên tất cả, họ đã đến được với nhau bằng tình yêu chân thành và cái kết viên mãn. 

“Lâu lắm tôi mới được xem trực tiếp một vở chèo hay như vậy. Thông qua nội dung, vở chèo đã phê phán những bậc làm cha mẹ gia trưởng, độc đoán, luôn áp đặt con cái. Vở chèo là bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, trong gia đình cần có sự thấu hiểu, cảm thông giữa các thế hệ”, bà Nguyễn Thị Phương (ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) cho biết. 

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, “Chuyện tình bên sông” đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc chân thực, gần gũi với đời sống.

Hơi thở thời đại của vở chèo còn được thể hiện thông qua chi tiết các nàng tiên vì cảm động chuyện tình của chàng Trúc, nàng Mai mà quyết định làm một việc nghĩa: lấp sông, tạo con đường rước dâu theo yêu cầu của ông phú hộ. Khi lên đỉnh núi, thấy cảnh non nước hữu tình, mải rong chơi nên các nàng quên mất việc đang làm...

Nhà viết chèo, tiến sĩ Trần Đình Ngôn cho biết ông muốn gửi thông điệp: những người giữ vị trí trong xã hội ngày nay cũng giống như những nàng tiên. Đôi khi phải quên đi những niềm vui bé nhỏ, hy sinh cả quyền lợi riêng của mình mới có thể làm được việc nghĩa cho cộng đồng, xã hội. Đây mới chính là hàm ý sâu xa và còn nguyên giá trị thời sự trong cuộc sống hiện nay.


Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (bên phải) và Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương trong một buổi tập luyện cùng ê kíp

Dàn dựng công phu

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, kịch bản vở chèo “Chuyện tình bên sông" bảo đảm 2 yếu tố: phù hợp nghệ thuật chèo truyền thống, phù hợp dàn diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương để truyền tải được thông điệp của tác giả. 

Yếu tố khác quan trọng có tính quyết định tới sự thành công của vở chèo là chọn ê kíp dàn dựng. Sau khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép dàn dựng, Nhà hát Chèo Hải Dương đã mời được ê kíp dàn dựng đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam: đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Văn Hoàn; họa sĩ thiết kế, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đạt Tăng; biên đạo múa Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Anh… Đây là ê kíp có bề dày kinh nghiệm, nhiều ý tưởng mới, có thể biến hóa, hài hòa và nhuần nhuyễn chất chèo dân gian mang tính thời đại.  

Cùng dàn diễn viên và nhạc công chuyên môn cao của Nhà hát Chèo Hải Dương, buổi diễn trong đêm tổng duyệt 14.8 đã làm khán giả xúc động. Chi tiết chàng Trúc vì tình yêu không quản ngày đêm gánh đất lấp sông hay nàng Mai gieo mình xuống sông tự vẫn vì không muốn bị ép gả cho người khác… đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.  

Cùng tuyến nhân vật chính diện: chàng Trúc (do nghệ sĩ Quang Phúc đảm nhận), nàng Mai (nghệ sĩ Thu Huệ), nhân vật phản diện là ông phú hộ đã được nghệ sĩ Quang Minh đóng rất đạt. Đó là hình ảnh một trọc phú thời phong kiến giàu có nhưng coi thường người khác, đẩy con gái vào đường cùng. Với sự giúp đỡ của thần linh, ông đã ngộ ra, hối hận để vở chèo kết thúc có hậu. “Để toát lên được cái thần, đẩy tuyến kịch đi cao hơn, ngoài việc đọc kỹ kịch bản, nghiên cứu hình tượng của ông phú hộ, tôi nghĩ quan trọng nhất là cảm xúc, sự thăng hoa của diễn viên khi lên sân khấu. Mình phải hóa thân vào nhân vật, sống với nhân vật”, nghệ sĩ Quang Minh nói.

Sau mỗi phút giây lắng đọng, các diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương cũng gây cười được ngay cho khán giả. Hình ảnh sơn thần, hà bá với lối diễn hài hước, đáng yêu là một dấu ấn khác lạ xuyên suốt vở chèo…

Với sự kế thừa, biến đổi, tiếp thu những tinh hoa, mang đậm phong cách chèo truyền thống, lối diễn dân gian, ngôn ngữ văn chương mang tính kỳ hóa, huyền thoại hóa, đầy chất thơ, vở diễn đã tạo nên một câu chuyện tình yêu đẹp.

 Sau khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến, vở chèo sẽ được biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội trong và ngoài tỉnh. Dự kiến đây sẽ là 1 trong 2 tác phẩm của Nhà hát Chèo Hải Dương dự thi sân khấu chèo toàn quốc năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. 

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
[Audio] Xúc động vở chèo "Chuyện tình bên sông"