Quốc phòng

Đưa hài cốt liệt sĩ về đất mẹ

NGUYỄN THẢO 24/12/2023 06:00

Với tấm lòng tri ân, thành kính, những năm qua, quân và dân Hải Dương đã hết lòng tìm kiếm, đưa hài cốt nhiều liệt sĩ trở về địa phương.

00:00

lietiisis111.jpg
Buổi lễ truy điệu đón hài cốt liệt sĩ Lưu Văn Quynh ở xã Nghĩa An (Ninh Giang). Ảnh: Thành Đạt

Thỏa niềm mong mỏi

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được không khí trang trọng của buổi lễ truy điệu đón hài cốt liệt sĩ Lưu Văn Quynh ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) vào đầu tháng 12 vừa qua. Từ sáng sớm, đông đảo người dân địa phương cùng thân nhân của liệt sĩ Lưu Văn Quynh đã đứng kín hai bên đường dẫn vào nghĩa trang liệt sĩ xã. Đứng cạnh hài cốt liệt sĩ Lưu Văn Quynh, ông Lưu Văn Đính ngậm ngùi đặt tay đặt lên di hài của người chú ruột, khuôn mặt rầu rĩ. Đâu đó hình ảnh của người chú ra đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn còn trong ký ức của cậu bé Lưu Văn Đính khi ấy mới 10 tuổi.

Hơn 50 năm qua, từ ngày nhận giấy báo tử, gia đình liệt sĩ Lưu Văn Quynh vẫn canh cánh khôn nguôi vì không biết người thân đã nằm lại ở nơi rừng hoang sương lạnh nào. Nhiều lần tìm kiếm không thành, hành trình tìm mộ liệt sĩ Lưu Văn Quynh có lúc tưởng chừng như rơi vào vô vọng. Ở quê nhà, người thân đã xây dựng một ngôi mộ gió, lập bàn thờ cho liệt sĩ.

Nhờ sự kết nối, gia đình liệt sĩ Lưu Văn Quynh đã biết đến Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Sau khi đối chiếu với thông tin trong danh sách liệt sĩ hy sinh của Hải Dương ở các chiến trường, giấy báo tử do gia đình cung cấp, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã kết nối, phối hợp xác minh thông tin, hướng dẫn cho gia đình làm thủ tục nhận, di chuyển hài cốt liệt sĩ về an táng tại địa phương. Chặng đường dài hàng trăm cây số mang hài cốt liệt sĩ Lưu Văn Quynh từ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trở về quê nhà thêm ấm áp nghĩa tình bởi sự có mặt của hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và người thân của liệt sĩ.

Ông Đính cảm động nói: “Vậy là niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình tôi được toại nguyện. Việc đưa hài cốt chú tôi về an táng ở nghĩa trang địa phương sẽ thuận tiện cho gia đình thăm viếng, chăm lo phần mộ sau này”.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong kháng chiến chống Mỹ và tay sai, chàng thanh niên Phạm Đức Lưu ở thị trấn Tứ Kỳ lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại tỉnh Kon Tum. Trong một trận chiến đấu, thanh niên Phạm Đức Lưu anh dũng hy sinh. Thông tin về liệt sĩ và phần mộ bị thất lạc suốt nhiều năm. Người thân luôn mong ngóng ngày được đưa phần mộ liệt sĩ về quê nhà an táng. Nhờ sự giúp đỡ của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hải Dương, cách đây hơn 1 năm, gia đình được đón hài cốt của liệt sĩ trở về với đất mẹ trong niềm xúc động thiêng liêng.

Không chỉ có gia đình liệt sĩ Lưu Văn Quynh và liệt sĩ Phạm Đức Lưu, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hải Dương đã thông báo cho hàng chục gia đình liệt sĩ làm hồ sơ lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính liệt sĩ.

Phần mộ của liệt sĩ Trương Văn Định ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) là 1 trong 70 phần mộ được Trung đoàn 25 tổ chức lấy mẫu giám định ADN. Sau khi có thông báo gửi về địa phương, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn người thân của liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm để đối chiếu thông tin. Khi có kết quả chính xác, Chi hội kết nối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk giúp gia đình hoàn thiện thủ tục, di chuyển hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà.

Chia sẻ 4.770 thông tin về mộ liệt sĩ

Với mong muốn tri ân, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ ngày 17/9/2010. Đến ngày 28/12/2017, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hải Dương được thành lập. Sau gần 6 năm thành lập, chi hội có hơn 80 hội viên sinh hoạt tại 12 phân hội ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, ông Trần Đại Dương, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Hải Dương lật mở cẩn thận từng trang thông tin về các liệt sĩ ở Hải Dương cho chúng tôi xem. Với ông Dương, đây là nguồn tài liệu vô giá mà ông cùng các hội viên đã dày công sưu tầm trong suốt nhiều năm qua. Cuộc nói chuyện với ông Dương liên tục bị ngắt quãng bởi cuộc điện thoại từ các gia đình liệt sĩ nhờ tìm kiếm thông tin.

Chia sẻ về những kết quả hoạt động, ông Dương phấn khởi cho biết trong những năm qua, Chi hội thu nhận được trên 16.000 thông tin về phần mộ của các liệt sĩ quê Hải Dương hy sinh ở các chiến trường và đã chuyển 4.770 thông tin về mộ liệt sĩ cho 252 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2023, Chi hội tìm chọn, tổng hợp, lưu giữ danh sách 4.130 liệt sĩ của Hải Dương trong các đơn vị trực thuộc Quân khu 7, đã khớp nối hồ sơ chuyển báo 1.233 danh tính liệt sĩ cho gia đình, địa phương. Đến nay, Chi hội đã tư vấn cho 30 gia đình liệt sĩ về đính chính thông tin trên bia mộ, hoàn thiện hồ sơ xin di chuyển hài cốt liệt sĩ.

Theo ông Dương, những kết quả trên sẽ tiếp thêm động lực trên hành trình kết nối thông tin, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ của chi hội. Với phương châm “Mọi hoạt động hướng về thân nhân liệt sĩ”, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của thân nhân liệt sĩ, là cầu nối để các gia đình liệt sĩ gửi gắm niềm tin trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Nhiều trường hợp gia đình thân nhân liệt sĩ khó khăn, chi hội còn tài trợ kinh phí đi lại, cử thành viên trực tiếp hỗ trợ việc di chuyển hài cốt liệt sĩ từ các nghĩa trang về địa phương. Tuy nhiên, chi hội gặp nhiều khó khăn khi việc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ đã trải qua thời gian dài, công tác lưu trữ hạn chế, địa hình, nhân chứng có nhiều đổi thay. Nhiều thông tin đối chiếu không trùng khớp nên phải mất nhiều thời gian xác minh.

“Sau mỗi lần giúp đỡ các gia đình di chuyển hài cốt liệt sĩ về địa phương an táng, chúng tôi lại cảm thấy an lòng. Đó là sự tri ân với những người đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh để mang lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc như hôm nay”, ông Dương nói.

Còn thông tin liệt sĩ, còn tìm kiếm, quy tập

haicoojjjj(1).jpg
Các lực lượng chức năng ở TP Hải Dương tìm kiếm, cất bốc liệt sĩ tại nghĩa trang Cầu Cương (ảnh tư liệu)

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, quân và dân Hải Dương đã hết lòng, dốc sức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”.

Căn cứ danh sách liệt sĩ chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và các đơn vị, địa phương trong toàn quốc gửi về, từ năm 2002 đến đầu năm 2023, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp rà soát, phân tách, khử trùng 1.690 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 1.429 trường hợp liệt sĩ hy sinh chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh, 261 trường hợp liệt sĩ trùng lặp. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, tỉnh Hải Dương được đánh giá cơ bản không còn mộ hài cốt liệt sĩ nằm trên địa bàn chưa được tìm kiếm, quy tập.

Với cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì mỗi lần thực hiện nhiệm vụ đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Cách đây 4 năm, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại gò Bồ Súng ở thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) là hành trình khó khăn, vất vả nhưng sâu nặng nghĩa tình. Cả lực lượng tham gia tìm kiếm và nhân dân trong vùng ngày đêm khẩn cầu mong sớm tìm được hài cốt để được đón các anh một lần nữa trở về với đất mẹ.

Đại tá Bùi Vinh Được, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhớ lại: “Với quyết tâm tìm đến đâu, chắc đến đó, trên diện tích gần 100 m2, trong cái lạnh buốt thấu xương của thời tiết những ngày đầu năm, gần 300 lượt cán bộ thường trực và chiến sĩ dân quân địa phương cùng với máy móc, trang thiết bị hỗ trợ cần mẫn xới từng m2 đất. Lời khẩn cầu của chúng tôi đã mang lại hiệu quả khi 9 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy. Hầu hết còn khá nguyên vẹn, nhiều liệt sĩ tay, chân vẫn còn nguyên trong tư thế bị cùm bằng cùm tre, gông sắt, bị trói bằng dây dù… Tất cả đều được tiến hành lập biên bản, lập sơ đồ mộ chí và xác định tọa độ vị trí. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã cùng các cán bộ chuyên môn thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhanh chóng tiến hành lấy mẫu sinh phẩm phục vụ cho việc giám định ADN, xác định danh tính để phục vụ cho việc thăm viếng của nhân dân sau này.

donliettjjjt.jpg
Bàn giao hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang Cầu Cương, TP Hải Dương (ảnh tư liệu)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hiện còn nhiều liệt sĩ hy sinh tại các chiến trường chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính. Do đó, công tác tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt không chỉ là trách nhiệm còn là mệnh lệnh từ trái tim luôn thôi thúc những người đang làm nhiệm vụ để đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân người có công.

NGUYỄN THẢO
(0) Bình luận
Đưa hài cốt liệt sĩ về đất mẹ