Trước hiện tượng dòng tiền liên tục đổ ào ào vào giao dịch chứng khoán hiện nay, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi quyết định “xuống tiền”.
Thị trường chứng khoán đang đà hưng vấn, dòng tiền ồ ạt đổ vào giao dịch, cổ phiếu tăng giá ngập các sàn, VN-Index liên tục lập đỉnh mới… nhưng đua dốc tiền vào chứng khoán lúc này liệu có phải là quyết định sáng suốt?
Mạo hiểm "lướt sóng", nguy cơ nếm trái đắng
Nói về xu hướng nhà đầu tư dồn dập đổ tiền vào chứng khoán, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường chứng khoán đang phát triển quá nóng và đặc biệt là không thực sự phản ánh đúng sự thịnh vượng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm qua chỉ đạt mức 2,91%. Hầu hết doanh nghiệp cũng rơi vào khó khăn, chỉ tiêu lợi nhuận cũng khó tăng trưởng đột biến.
“Chứng khoán là hàn thử biểu phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế. Năm vừa qua kinh tế tuy tăng trưởng dương nhưng ở mức rất khiêm tốn, hoạt động sản xuất cầm chừng có nơi đình trệ, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Kinh tế phát triển chậm nhưng thị trường chứng khoán lại tăng quá nóng. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế”, ông Long nói.
Theo ông Long, chứng khoán lên cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lãi suất ngân hàng quá thấp, nhiều kênh đầu tư khác lại kém hiệu quả… nên nhà đầu tư dồn tiền nhàn rỗi vào giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận.
Nhận định về dòng tiền từ F0 (nhà đầu tư mới trên thị trường), PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng bên cạnh mặt tích cực, cũng đem đến nhiều hệ lụy. Nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trong quyết định đầu tư của mình.
“Dòng tiền từ F0 đổ mạnh vào thị trường dẫn dến bùng nổ giao dịch. Thường cái gì phát triển quá nóng sẽ có sức thu hút lớn, tạo phong trào. Nhưng đi kèm theo đó là nhiều nguy cơ. Nhất là khi thị trường không phản ánh đúng tăng trưởng kinh tế. Khi thị trường sụt giảm, về đúng giá trị thực của nó, thiệt hại nhiều nhất là những người không am hiểu, đầu tư không thận trọng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Long cho rằng đã tới lúc nhà đầu tư cần tỉnh táo khi “xuống tiền” để tránh cho mình khỏi hậu quả thua lỗ khi thị trường điều chỉnh mạnh.
“Đầu tư bao giờ cũng dựa trên 3 yếu tố: một là tính an toàn, hai là lợi nhuận và ba là tính thanh khoản. Trong khi thị trường sôi sục như vậy, nhà đầu tư cần phải thận trọng. Nói như thế không có nghĩa tất cả mã chứng khoán đều nguy hiểm. Tuy nhiên phải tìm hiều kỹ. Dòng tiền không đổ vào sản xuất, rất dễ tạo nguy cơ bong bóng, tăng trưởng giả tạo, không vững chắc. Giao dịch "lướt sóng", mang tính chất đầu cơ thì không thể bền vững. Nhà đầu tư cần hướng đến chiến lược dài hạn, nghiên cứu kỹ trước khi giao dịch để tránh rủi ro”, ông Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Quách Mạnh Hào, giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh), cũng cho rằng chất xúc tác cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua là chính sách tiền tệ và tài khoá thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy vậy, nhiều khả năng năm nay chính sách sẽ thận trọng hơn bởi cơ quan điều hành có thể nhìn nhận lãi suất quá thấp đã kích thích các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản. Chính sách nới lỏng hiện tại cũng chưa cho thấy sự bao trùm toàn bộ nền kinh tế mà chỉ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và người yếu thế vẫn chật vật.
“Chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế và điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo”, TS. Hào chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021 ngày 11.1.
Nhiều hiện tượng “lạ” trên sàn chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt năm 2020 và đầu 2021 tỏ ra “miễn nhiễm” với COVID-19. VN-Index, HNX-Index, UpCOM liên tục lập đỉnh. Nhưng đi cùng với đó là những hiện tượng “lạ”: cổ phiếu vừa lên sàn liên tục đẩy giá lên cao ngất ngưởng, “đội quân F0” tăng chóng mặt, dòng tiền đổ như nước vào giao dịch… khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Dữ liệu thống kê cho thấy, năm 2020, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX là THD của Công ty CP Thaiholdings (Thaiholdings). Mã THD gây bất ngờ vì mới chính thức giao dịch từ 19.6.2020 với giá tham chiếu điều chỉnh là 3.331 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh 15.000 đồng/cổ phiếu). Tuy vậy, chỉ sau chưa đầy 6 tháng, THD lên mức 115.000 đồng/cổ phiếu vào chốt phiên 31.12.2020, tương ứng tăng 3.352,4%.
Thaiholdings được thành lập vào 2011 và là một trong những doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Đức Thuỵ (bầu Thuỵ). Lĩnh vực kinhd doanh chính hiện nay là xây dựng công nghiệp nặng và dân dụng.
Một “tân binh” khác cũng gây chú ý là GVR của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) khi tăng đến 196,3% từ 10.105 đồng/cổ phiếu lên 29.950 đồng/cổ phiếu.
Cùng với việc tăng giá, thanh khoản cổ phiếu GVR cũng xác lập kỷ lục khi có phiên khối lượng giao dịch lên tới hơn 9,5 triệu đơn vị, cao gấp nhiều lần so với thời gian mới niêm yết trên HoSE (chưa tới 1 triệu đơn vị).
Thành lập năm 1975, GVR hiện là tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực trồng và khai thác cao su tự nhiên, cùng các mảng chế biến gỗ và đầu tư khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Với vốn hóa hơn 101 nghìn tỷ đồng, GVR là một trong số công ty đại chúng lớn nhất trên HoSE hiện nay.
Ngoài THD và GVR, thị trường cũng ghi nhận những cái tên khác như GMA của Công ty CP Enteco Việt Nam (tăng 344%), VXT của Công ty CP Kho vận và dịch vụ thương mại (tăng 152,1%). MCM của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu… Điểm chung là tất cả đều mới lên giao dịch trong năm 2020.
Thị trường nửa cuối 2020 và đầu 2021 cũng chứng kiến số tài khoản giao dịch mở mới tăng kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VDS), tính đến cuối 2020, có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, số tài khoản trong nước chiếm gần 99%, với 2,74 triệu tài khoản (2,8% dân số Việt Nam), bao gồm 2,73 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 12 đã có đến 63.243 tài khoản trong nước được mở mới, tăng 53% so với tháng trước và cao nhất từ trước đến nay. Không những vậy, lũy kế cả năm 2020 có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392.527 tài khoản (99,7%), còn lại là nhà đầu tư tổ chức. Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Bên cạnh bùng nổ tài khoản, dòng tiền "tươi" cũng đang ào ào đổ vào giao dịch mỗi ngày. Trong lịch sử thị trường chưa từng chứng kiến dòng tiền khủng như vậy. Đáng chú ý, lượng lớn trong số này đến từ F0.
Theo VTC