Ngày cháu đi đại học, bác cả chẳng được một lời hỏi han. Trong ý nghĩ của ông, nó vẫn chỉ là một đứa con hoang.
Bố mất, nhà ở mặt phố được chia làm hai nửa, nhưng không đều nhau. Nửa bên phải là nhà của anh cả, đất rộng dễ chừng phải hơn mười mét ngang. Ở mặt trước, ông kê hai chiếc bàn bida để người ta tới chơi và thu tiền. Khách chơi tấp nập vào ra. Chủ yếu là đám thanh niên choai choai. Phía trong nhà, ở một góc kín, lúc nào cũng có sẵn một hai chiếu bài sát phạt. Ông và vợ ngồi bên thu tiền, thỉnh thoảng chiếu bài thiếu chân, vợ chồng ông cũng ngồi vào chơi cùng. Nhà ông anh cả trở thành tụ điểm bida, cờ bạc của đám thanh niên và cánh đàn ông mê đỏ đen trong xóm. Muốn tìm mấy ông này không khó, cứ chạy lại nhà ông anh cả thì y như rằng không ở đằng trước cũng ở đằng sau.
Nửa bên trái hẹp hơn hẳn, cỡ hai mét ngang, chỉ vừa đủ chui ra, chui vào. Nửa đó là nhà của cô em gái. Nói là nhà, chứ thực ra đó chỉ là túp lề tranh, là chỗ ở của ba mẹ con, bà cháu. Phía trước nhà là quán nhỏ lụp xụp, bán mấy chai nước giải khát cho người qua đường. Bà mẹ già ở với cô em gái, chứ nhất định không sang ở cùng ông con trai giàu có bên cạnh. Cũng chẳng rõ vì sao.
Cô em gái trông dáng người tội tội, mặt bợt lên vẻ lam lũ. Cô không chồng nhưng có một đứa con gái. Người ta ác miệng bảo nó là con hoang, chẳng ai rõ bố đứa bé là ai. Ba mẹ con bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Quán giải khát chỉ kê một chiếc bàn, phía trên có chiếc tủ kính cũ, bên trong là mươi chai nước ngọt. Trên mặt bàn bày bán ít bánh trái. Quán chỉ có một chiếc ghế gỗ dài làm chỗ ngồi, bán chủ yếu cho khách qua đường. Quán thưa thớt khách, bữa đói bữa no.
Bão về, quán bay mất cái mái. Túp lều tranh phía sau tan hoang. Nước ngập tràn cả vào nhà. Bà mẹ thất thần nhìn con gái. Đứa cháu ngoại giương đôi mắt to tròn nhìn bà, nhìn mẹ, ngơ ngác đượm buồn. Mẹ đứa bé thiểu não, đi quanh nhặt những mảnh mái kè rơi rớt còn lại. Ba mẹ con bà cháu vẫn phải gắng gượng mà sống. Gắng gượng mà lợp lại mái nhà, sửa lại cái quán, tát đi vũng nước đọng.
Tháng ngày trôi qua. Bà mẹ già đã không còn thể giúp được gì cho hai mẹ con nữa. Mắt bà đã lòa, tay chân yếu, chỉ ngồi một chỗ. Đứa cháu lên mười đã giúp được nhiều việc cho mẹ. Nhà nghèo nhưng nó học rất giỏi. Quần áo đi học chỉ độc một bộ cũ, giật gấu vá vai, nhưng đôi mắt nó sáng. Nó ham con chữ.
Năm con bé lên cấp hai, bà nó mất. Đó là một ngày mưa tầm tã, nước xối xả như trút xuống. Mưa sầm sập tối đất tối trời. Con bé khóc bà, người ướt đẫm trong mưa, nhưng vẫn kề sát đỡ lấy vai mẹ nó. Mẹ nó chỉ chực khuỵu xuống. Mẹ nó vật vã cả tuần lễ rồi cũng gượng dậy. Mất bà, mẹ nó mất đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Giờ hai mẹ con chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống qua tháng ngày.
Con bé vào cấp ba, vụt lớn lên thành một thiếu nữ. Con bé nhà nghèo chỉ có độc một bộ áo dài cũ của mẹ. Sáng sáng chiều chiều, nó chăm chỉ đạp xe đi học. Con bé không có tiền đi học thêm như chúng bạn. Ngoài giờ học nó còn phải trông quán giúp mẹ. Người trong xóm quen với hình ảnh con bé vừa trông quán, vừa miệt mài đọc sách, viết bài. Nó có ước mơ được vào đại học. Nó tính cả rồi, nó quyết tâm thi đỗ ngành công an để được Nhà nước nuôi ăn, nuôi học, chứ học trường ngoài, tiền đâu cho lại. Vì số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cho nữ rất ít, nên điểm chuẩn của ngành công an rất cao. Nó biết vậy và cố gắng hết sức. Con đường vừa hẹp vừa dốc đứng nhưng nó quyết tâm vượt qua.
Ngoài phần sách vở mượn từ bạn bè, nó tìm tới những hàng sách cũ để mua được giá rẻ hơn. Nó học như ngấu nghiến từng con chữ. Nó tìm ra cách giải và hệ thống các phương pháp làm bài. Khả năng tự học của nó tiến bộ từng ngày.
Từ ngày nó biết trông quán bán hàng, mẹ nó tranh thủ sáng sớm xuống biển mua lại mẻ cá mà người ta kéo lưới sáng rồi đem ra chợ gần nhà bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Mẹ nó cũng biết mua lại mớ rau, củ su hào của mấy sọt hàng đạp xe qua nhà rồi mang bày bán ở một góc chợ. Đồng lời kiếm được ít ỏi nhưng chắt góp cũng đủ cho hai mẹ con. Mẹ nó cố gắng dành dụm để có tiền cho con ra Hà Nội thi đại học. Không ít thì nhiều, cũng phải lo đủ dăm triệu cho con có cái phòng thân lúc xa nhà.
Năm đấy, nó là đứa con gái duy nhất của xóm đậu đại học và là một trong ba cô gái của huyện đỗ vào trường công an. Ngày nhận kết quả thông báo, mẹ nó mừng rơi nước mắt. Mẹ nó sắp một đĩa hoa quả, thắp hương cho bà. Mẹ nó nhỏ to tâm sự với di ảnh của bà rồi ứa nước mắt. Nó đứng cạnh bên, thầm nói với bà: “Bà ơi! cháu làm được rồi”. Cuộc sống dường như có cái lẽ công bằng của riêng nó. Những ngày giông bão, mẹ con nó đã không khuỵu ngã. Giờ đây bão qua, nó đã sẵn sàng bước đi trên con đường phía trước.
Nó vào đại học, được ăn cơm nhà nước, quần áo nơi ở đã có nhà trường lo đầy đủ. Thỉnh thoảng nó về thăm nhà, nó còn hãnh diện khoe với mẹ rằng, nó đi học nhưng vẫn nhận lương tháng của ngành. Nó còn nhận được học bổng. Con bé giờ đây đã cứng cáp trưởng thành. Năm thứ hai đại học, nó vinh dự được kết nạp vào Đảng. Con bé vẫn ham học, ham đọc sách như trước. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các cuộc thi người công an giỏi của trường, của ngành không bao giờ thiếu tên nó trong bảng thành tích. Tốt nghiệp ra trường, với tấm bằng loại ưu, nhà trường có ý giữ nó lại làm giảng viên. Nhưng nó nhất nhất xin được về công tác ở huyện nhà. Nhà chỉ có một mẹ già, nên nhà trường cũng đồng ý nguyện vọng đó. Mẹ tự hào khi thấy con gái, con bé Loan chăm học ngày nào, đoan trang và thùy mị trong bộ quân phục của ngành.
Ngày cháu đi đại học, ông bác cả chẳng được một lời hỏi han. Trong ý nghĩ của ông, nó vẫn chỉ là một đứa con hoang. Nhưng ông cũng thầm công nhận, con bé học giỏi thật, mà nó lại còn ngoan nữa. Nó hơn hẳn hai thằng con "phá gia chi tử" nhà ông. Thằng đầu học chưa xong cấp ba thì bỏ học. Nó bảo ở nhà trông quán bida cho bố sướng hơn. Nó lại còn có máu đỏ đen. Trông quán thì khách chơi một, nó cũng chơi một, thậm chí hai, ba. Tiền thu chẳng bù tiền nó sát phạt với khách. Ép chẳng được, đánh chẳng được, ông đành tặc lưỡi hy vọng vào đứa thứ hai, nhưng đứa thứ hai chẳng khấm khá hơn, học hết cấp ba thì đòi đi làm lơ xe đường dài. Rồi một thời gian sau, nó về nhà, ở lại hẳn chẳng đi làm. Hỏi ra mới biết nó bị người ta đuổi. Lý do là nó nghiện. Nuôi thằng nghiện tốn kém vô cùng. Nhà có đồng nào sơ sẩy là nó lấy trộm để mua thuốc hút. Cửa nhà ông anh cả cũng lụi dần với hai thằng con. Nhìn sang nhà cô em bên cạnh, ông anh cả chỉ ước chi hai thằng con nhà ông được một phần, một góc nhỏ như đứa con hoang nhà cô em.
Một dạo, phố huyện nổi lên phong trào lô đề. Nhà nhà chơi lô, chơi đề. Cứ có giấc mơ nào, cứ một việc gì mà nảy ra một con số là người ta bấu víu vào đấy mà hy vọng. Người ta chờ tới tối để được đổi đời. Nhưng cờ bạc, lô đề thì chỉ làm giàu nhà cái, thường chẳng ai thắng được với trò đỏ đen này. Khốn nỗi, đỏ đen chẳng khác gì ma túy. Nó gây nghiện ghê gớm, càng mất nhiều càng say máu.
Vợ ông anh cả cũng là tay chơi có số má của xóm. Tay hòm chìa khóa nhưng tới khi ham vào món đỏ đen này thì có bao nhiêu của nả, bà cũng đem đi đốt sạch. Hết tiền thì bà vay nợ xã hội đen. Lãi mẹ đẻ lãi con. Cuối cùng chỉ còn cái nhà và mảnh đất là chỗ bấu víu cuối cùng, cũng phải đem cắm nốt.
Bà tính làm cú chót rồi thôi. Một cú này thôi là bà có thể gỡ gạc lại hết tất cả những gì đã mất, mà lại còn có thêm vốn liếng làm ăn. Bà như ngồi trên đống lửa hồi hộp chờ đợi kết quả. Bà ngơ ngác rồi khóc rống lên như đứa trẻ bị người ta giật lấy đồ chơi. Gần như mất tất cả rồi. Người ta tới siết nợ, căn nhà đành phải bán. Bán nhà trả nợ, vợ chồng ông anh cả chỉ còn giữ lại được mảnh đất bé tí chỉ vừa đủ kê cái giường. Nhà bốn người, trông ai cũng vật vờ chán ngán. Con sóng đỏ đen quét qua phố huyện nghèo không khác gì cơn bão lũ làm tan hoang phố xá năm nào. Nhà ai không giữ chắc, thì những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi cũng phải ra đi.
Về công tác ở huyện nhà, tận mắt trông thấy rõ tác hại ghê gớm của tệ nạn đỏ đen, Loan tham mưu với lãnh đạo phải ra tay dẹp bỏ gấp. Loan đề nghị đánh rắn là đánh phủ đầu. Chuyên án được lập ra. Sau một thời gian điều nghiên kỹ lưỡng, đích nhắm đầu tiên là các nhà chủ cầm cái. Công an ra quân đồng loạt, bắt giam các nhà cái. Sau đó Loan cùng đồng đội tới từng xóm, từng cụm dân cư, từng buổi họp dân phố, tuyên truyền giáo dục cho bà con từ bỏ lô đề, cờ bạc. Tệ nạn này sau một thời gian thì dần mất hẳn. Phố huyện nghèo bình yên trở lại.
Loan qua nhà nói chuyện với bác cả, vận động cho ông anh trai đầu nhà bác đi học nghề. Loan cũng động viên bác cả cho anh trai thứ hai đi cai nghiện bắt buộc. Chín bỏ làm mười, gia đình bác cả như chết đuối vớ được cọc, nhất nhất nghe theo lời cô cháu gái. Con đường phía trước đã sáng hơn, chỉ cần phải kiên trì đưa vào khuôn khổ. Không có sự bắt đầu nào là muộn.
Phố huyện nghèo nay đã là thị xã, kinh tế phát triển do có nhiều nhà máy công nghiệp được xây dựng. Công an huyện được nâng cấp thành công an thị xã, Loan được đề bạt làm đội trưởng. Cô mua thêm mảnh đất của người hàng xóm bên cạnh, xây cho mẹ căn nhà mái bằng chắc chắn. Căn lều lụp xụp chỉ còn trong ký ức. Người anh đầu của nhà bác cả đã học xong trường nghề và được nhận vào làm việc cho phòng bảo dưỡng sửa chữa cho một nhà máy. Con trai sau đã cai được nghiện và cũng xin vào trường học nghề...
Ngày giỗ của bà năm nay được làm chung hai nhà. Trước bàn thờ của mẹ, bác cả rơm rớm nước mắt nói lời xin lỗi. Cô em gái đứng cạnh bên cũng sụt sùi. Mâm cơm ngày giỗ bà, lần đầu tiên có hơn ba chiếc bát. Chiếc vách ngăn vô hình của hai căn nhà đã được phá bỏ. Cuối cùng, đời lại cho thấy cái lẽ công bằng của riêng nó.
Truyện ngắn của LÊ NGỌC SƠN