Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các di tích trên địa bàn Hà Nội đều phải đóng cửa. Tuy nhiên, đây là dịp các đơn vị quản lý di tích triển khai áp dụng công nghệ để giới thiệu quảng bá, thu hút khách.
Phát huy giá trị di sản qua công nghệ số
Chị Nguyễn Thanh Huyền khá ngạc nhiên khi gần đây được mời tham gia fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa, với nhiều hình ảnh sinh động giới thiệu về lịch sử thi cử, khoa bảng ngày xưa; cũng như những hiện vật đang trưng bày.
“Lúc đầu tôi vào xem cũng chỉ là tò mò, nhưng sau đó thấy khá hấp dẫn, tìm hiểu được nhiều thông tin lịch sử, bởi trước đó tham quan nơi đây theo đoàn nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ”, chị Thanh Huyền chia sẻ.
Đây là hoạt động mới để tương tác với nhiều người dùng trên mạng xã hội của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ đầu tháng 9.2021, Trung tâm đã xây dựng thêm một fanpage chuyên giới thiệu về không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa nhằm giới thiệu đến công chúng về trường Quốc Tử Giám xưa.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Từ khi tạm ngừng đón khách thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tập trung vào công tác đào tạo lại nhân lực, đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quảng bá giá trị di tích.
Trước đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó.
Ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Chúng tôi có xây dựng đề án phát triển du lịch thông minh gắn với việc bảo tồn tại di tích. Theo đó, Trung tâm sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu 3D, số hóa thông tin di tích, hệ thống bia Tiến sĩ, cây xanh cùng các công trình kiến trúc khác. Ciệc xây dựng cơ sở dữ liệu mục tiêu lâu dài là bảo tồn nhưng đây cũng là cơ sở để xây dựng thành các sản phẩm phát triển du lịch. Bên cạnh đó, dự án cũng đề xuất ý tưởng công nghệ để bán vé tham quan trước qua mạng và thực soát vé tự động để hạn chế tiếp xúc và phòng dịch. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong tương lai”.
Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, phương thức này bước đầu được khá nhiều du khách quan tâm, truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian này. Điều đó cũng khích lệ đơn vị trong việc tích cực quảng bá, phát huy giá khu di sản và tìm nhiều phương thức mới để tiếp cận với công chúng.
Một số đơn vị quản lý di tích cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Ban quản lý phố cổ Hà Nội xây dựng các app (ứng dụng) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách tiếp nhận thông tin một cách chủ động. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên Hà Nội ứng dụng công nghệ VR3D (thực tế ảo) giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo 3D…
Xu thế tương tác trong tương lai
Việc ứng dụng công nghệ số tại các điểm di tích tham quan là một phần quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu để đưa lên Cổng thông tin giới thiệu du lịch Hà Nội, qua đó quảng bá hình ảnh, sản phẩm tới du khách.
Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 trong việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Thủ đô đáp ứng xu hướng tất yếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, thực hiện bản đồ số cho du lịch Thủ đô.
Hiện Hà Nội tiếp tục nâng cấp cổng thông tin, ứng dụng du lịch của thành phố đã tạo dựng giai đoạn trước. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp tiện ích cho khách, một trọng tâm của du lịch Hà Nội là liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn.
Cổng thông tin, ứng dụng du lịch sẽ được phát triển thành cổng thông tin đa phương tiện, để khách có thể xem, nghe, đọc theo hướng tiếp cận thông tin đa dạng, khai thác hơn nữa tiềm năng, thế mạnh di sản văn hóa Hà Nội.
Theo báo Tin tức