Dư luận quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

09/04/2023 14:50

Trong tháng 3.2023, dư luận báo chí nước ngoài tiếp tục có nhiều bài phân tích, đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.


Dư luận nước ngoài đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình nhờ: đầu tư trực tiếp nước ngoài cao; tiêu dùng nội địa và tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể… Khả năng kết nối thị trường và lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở Đông Nam Á.

Việt Nam có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm 2023. Triển vọng quý 2 năm 2023 sẽ được cải thiện nhờ sự phục hồi của lượng đơn đặt hàng bắt đầu từ tháng 2.2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF dự báo trong năm 2023, Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba trong ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan về quy mô nền kinh tế. Với tốc độ tăng GDP như hiện nay, Việt Nam được dự báo chẳng mấy chốc sẽ vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á.

Việt Nam có một chính phủ tương đối ổn định, đưa ra định hướng chiến lược và quyết định mọi vấn đề chính sách lớn. Cách điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang truyền cảm hứng và là hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực, thể hiện qua các khía cạnh: khi đại dịch hoành hành dữ dội, Việt Nam đã thực hiện các bước quyết đoán để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Lạm phát được kiểm soát tốt do Chính phủ và các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp quyết liệt; Việt Nam thực hiện các biện pháp giữ tốc độ tăng trưởng GDP cao. Việt Nam đang tìm cách chuyển hướng khỏi ngành công nghiệp nặng và trở nên chọn lọc hơn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư nước ngoài; củng cố quan hệ với các đối tác thương mại toàn cầu, thu hút đầu tư thông qua nhiều biện pháp khuyến khích, kết nối quốc tế tốt. Trong ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và Singapore về quan hệ thương mại quốc tế.

Việc điều hành khéo léo các biến số quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô như lạm phát, GDP, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, tăng việc làm để chống lại các xu hướng bất lợi phát sinh từ đại dịch góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam có tiềm năng phát triển và trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn Hãng McKinsey and Company dự báo, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể lớn ngang ngành bán lẻ truyền thống vào năm 2025.

Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để thị trường thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ: phần lớn dân số Việt Nam dưới 40 tuổi và cực kỳ am hiểu công nghệ so với thế hệ trước, trở thành động lực làm thay đổi hành vi của người tiêu dung. Việt Nam là thị trường mới nổi trong khu vực năng động, đồng thời là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và thương mại xã hội, đặc biệt là trực tuyến.

Bên cạnh đó, lĩnh vực fintech của Việt Nam đạt đến tầm cao mới. Khung pháp lý mới đang tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Thị trường fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn vì có rất nhiều cơ hội để tham gia và mở rộng quy mô.

Trong vài năm qua, kinh tế Việt Nam đã vượt xa các quốc gia ASEAN mới nổi khác. Quá trình tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Việt Nam dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, mở đường cho sự phát triển của thị trường vốn địa phương. Thị trường vốn của Việt Nam mạnh mẽ, dẫn đầu là sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và tiềm năng cho tương lai.

Nhìn chung, dư luận báo chí nước ngoài đánh giá tích cực về hoạt động và triển vọng kinh tế Việt Nam, song, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi những khó khăn chung mà toàn cầu đang đối mặt, tuy nhiên, những thách thức về quản trị này có thể chỉ là tạm thời.

Nhu cầu trong nước yếu khiến Việt Nam không có nhiều dư địa dự phòng; sản xuất của Việt Nam giảm sút và có nhiều việc làm bị mất trong tháng 1.2023 do nhu cầu của các thị trường phương Tây ở Bắc Mỹ và châu Âu thấp hơn. Các ngành công nghiệp của Việt Nam rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào trong thương mại toàn cầu do nền kinh tế chủ yếu hướng vào xuất khẩu. Việt Nam không tránh khỏi những cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.

Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023, theo đó chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65.

Báo cáo Hạnh phúc thế giới xếp hạng về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên kết quả đánh giá trung bình của 3 năm từ 2020 - 2022 dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội…

Việt Nam được báo chí nước ngoài đánh giá, kể từ năm 1995, không quốc gia nào có quy mô tương đương mà lại đạt được sự tự do kinh tế như Việt Nam. Tất cả là nhờ cải cách kinh tế theo định hướng thị trường.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế của Quỹ Di sản - Heritage Foundation năm 2023, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam là 61,8, xếp thứ 72, tăng 1,2 điểm so với năm 2022. Việt Nam đứng thứ 14 trong số 39 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tổng điểm của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dư luận quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam