Du lịch vùng Tây Bắc: Thành quả hôm nay, mục tiêu tương lai

17/08/2019 20:22

Các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ du lịch.

Du khách đến tham quan thung lũng Mường Hoa ở Sa Pa. Ảnh: Vietfuntravel

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 14 năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 20.8 tại Sơn La. Đây là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vùng đất giàu tiềm năng

Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của nước ta. Tây Bắc là nơi cư trú của hơn 30 dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; là vùng có tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng. 

Nói đến Tây Bắc, du khách nghĩ ngay tới đỉnh Fansipan cao 3.143m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi cao nhất của khu vực, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người yêu thích cảm giác mạo hiểm. Đỉnh núi này nằm không xa Sa Pa - thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ, lúc nào cũng hấp dẫn với khung cảnh núi rừng êm đềm mà hùng tráng. Xa hơn về phía Tây là danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải – sản phẩm nghệ thuật đặc biệt và kỳ vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc vì nó được sáng tạo bởi chính người dân địa phương trong quá trình chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống.

Cũng không thể không kể đến hồ Pá Khoang rộng lớn của tỉnh Điện Biên, nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa, được ví như một viên ngọc bích của núi rừng Tây Bắc; rừng Mường Phăng là khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm; hay thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa xen lẫn những nếp nhà gỗ giản dị giữa đất trời; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với bạt ngàn hoa ban, hoa mận, hoa đào… Tất cả cùng hòa quện, đan xen, cùng tạo nên một thiên nhiên Tây Bắc giàu có và bí ẩn, hùng vĩ mà cuốn hút, giản dị mà khiến người ta say mê.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ, như: lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc cũng mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.

Thành quả hôm nay, mục tiêu tương lai

Tây Bắc là vùng đất có những nét riêng không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta. Sự hấp dẫn của du lịch Tây Bắc đã được khẳng định trong nhiều năm qua và luôn nằm trong danh sách điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích khoáng đạt, mạo hiểm, muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa. Nhưng mặt khác, Tây Bắc cũng là địa bàn nghèo, xa xôi, địa hình hiểm trở, nhiều điểm đến khó tiếp cận… Do vậy, tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, song thực tế hiện nay số lượng khách du lịch đến Tây Bắc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng lượng khách du lịch của cả nước, tốc độ tăng trưởng của ngành "công nghiệp không khói" này tại các tỉnh Tây Bắc còn khá khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng. 

Năm 2018, tổng số khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc đạt 20,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, doanh thu đạt gần 23 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đây là mức tăng khá so với năm 2017, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh, không gian địa lý của toàn vùng thì còn khiêm tốn. Nếu đặt trong tương quan với tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2018 (95,6 triệu lượt), trong đó có 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch hơn 620 nghìn tỷ đồng, thì những con số của du lịch Tây Bắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Số lượng khách du lịch đến vùng Tây Bắc tăng trưởng cũng không đều giữa các địa phương, chỉ tập trung ở một số địa bàn thuận lợi về giao thông như các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, các địa bàn còn lại khá vắng khách. Điều này dẫn đến sự phát triển “nóng” về du lịch ở một số địa phương. Điển hình như ở thị trấn Sa Pa, từ khi đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đi vào hoạt động, số lượng khách du lịch đến đây tăng nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng không phát triển kịp, dẫn đến tình trạng các khu du lịch thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết.

Nhìn chung, hạ tầng, giao thông kết nối tới các điểm du lịch ở các địa phương còn lại chưa thuận lợi, hạ tầng du lịch nhiều nơi còn sơ khai. Các sản phẩm du lịch mang tính chất liên vùng chưa rõ nét, kém đặc trưng và thiếu tính kết nối. Chính vì thế, phần lớn khách du lịch đến Tây Bắc chỉ để tham quan, khám phá, trải nghiệm, thời gian lưu trú không nhiều, chi tiêu ít. 

Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư, các địa phương đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ du lịch. Tại Lào Cai, riêng trong năm 2018, vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án phục vụ du lịch lên đến 5.800 tỷ đồng, trong đó, một số dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động như cáp treo Fansipan, tàu hỏa leo núi, công viên, khu sinh thái Việt Nhật và các khách sạn năm sao tại huyện Sa Pa… Tỉnh Hòa Bình cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, với tổng số vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Tại Sơn La, các doanh nghiệp đang triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi cao cấp rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu với số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, các khu du lịch sinh thái Dải Yếm, Tà Xùa với số vốn đầu tư mỗi dự án hơn 50 tỷ đồng… Tại Hà Giang đang thi công dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn); làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc)… cùng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong vùng, hứa hẹn tạo nhiều đột phá về du lịch trong thời gian tới.

Cùng với thu hút nguồn lực đầu tư, các địa phương cũng phát triển nhiều loại hình du lịch, trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Trong đó, du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của du lịch Tây Bắc. Tỉnh Hòa Bình là địa phương tiên phong thúc đẩy loại hình du lịch này, được nhiều tỉnh đến tham quan học tập. Tỉnh hiện có hơn 140 hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó Khu du lịch bản Lác, Mai Hịch (Mai Châu) và khu du lịch Đá Bia của huyện Đà Bắc được trao giải “Những điểm du lịch cộng đồng có chất lượng và đạt tiêu chuẩn môi trường xanh” của ASEAN.

Hiện nay, các tỉnh vừa tập trung đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với lợi thế địa phương, vừa dần hình thành các tour liên kết du lịch liên tỉnh như chương trình: “Du lịch về nguồn” liên kết giữa các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; “Du lịch tâm linh lưu vực sông Hồng” giữa Yên Bái và Lào Cai, “Du lịch cung đường Tây Bắc” giữa Lào Cai và Lai Châu... Trong đó, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 14 cũng là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường quảng bá du lịch, thu hút đầu tư và phát triển cho vùng đất giàu tiềm năng này.

THU HẠNH (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch vùng Tây Bắc: Thành quả hôm nay, mục tiêu tương lai