Kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn có thể kéo dài 7 ngày, từ 29 tháng chạp Quý Mão đến mùng 5 tháng giêng Giáp Thìn (8-14/2/2024), theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chiều 17/10, ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Pháp chế cho biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lấy xong ý kiến về phương án nghỉ Tết Giáp Thìn. "16 đơn vị, bộ ngành đa số đồng tình với phương án 1, tức nghỉ từ 29 tháng chạp", ông nói, thêm rằng cơ quan này sẽ trình Thủ tướng phương án nghỉ 2 ngày trước và 3 ngày sau Tết.
Theo phương án này, công chức sẽ đi làm trở lại vào mùng 6 tháng giêng, tức ngày 15/2/2024. Lịch nghỉ này được đánh giá hài hòa, thuận lợi cho người dân mua sắm, đi lại.
Từ năm 2015 đến nay, phần lớn thời điểm nghỉ luôn cận Tết 1-2 ngày, ngoài Tết Bính Thân 2016 nghỉ từ 28 tháng chạp. Thời gian nghỉ Tết Mậu Tuất 2019 kéo dài 9 ngày, cũng từ 28 Âm lịch do liền kề hai cuối tuần, song thực tế bắt đầu từ 30 tháng chạp nếu tính ngày nghỉ chính thức.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm áp dụng cho công chức nhà nước, song Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động nghỉ như trên, thông báo trước 30 ngày.
Việt Nam có 5 kỳ nghỉ lễ, Tết với 11 ngày chính thức trong năm. Nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần, lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp, thuận tiện để nghỉ ngơi, về quê hoặc đi du lịch.
Người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm dịp này được hưởng lương ít nhất bằng 300% so với ngày thường. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài lịch chung được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.
Theo VnExpress