Xã hội

Vì sao không nghỉ Tết sớm hơn?

Theo VnE 27/09/2023 08:47

Thời điểm nghỉ Tết nhiều năm qua luôn cận một đến hai ngày, từ 29 hoặc 30 Âm lịch, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định linh hoạt để người lao động nghỉ sớm hơn.

Hai phương án nghỉ Tết Giáp Thìn đều kéo dài 7 ngày, song khác nhau về thời điểm nghỉ. Đồ họa: Thành Nam

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Giáp Thìn, đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ từ 29 hoặc 30 tháng chạp.

Phương án một, nghỉ từ ngày 8/2/2024 đến 14/2/2024 (29 tháng chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn). Phương án hai, chọn nghỉ từ 9/2/2024 đến hết 15/2/2024 (30 tháng chạp năm Quý Mão đến hết mùng 6 tháng giêng năm Giáp Thìn).

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, đơn vị soạn thảo phương án nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, cho hay khó cố định lịch này vì Bộ luật Lao động quy định được nghỉ chính thức 5 ngày. Lịch mỗi năm không giống nhau, ngày nghỉ chính thức có thể rơi vào cuối tuần, xen kẽ ngày làm việc nên cần tính toán nghỉ bù hoặc hoán đổi. Gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành là nguyên tắc vì đại diện cho nhiều cơ quan, người lao động.

Đơn vị soạn thảo đã cân nhắc một số thời điểm nghỉ Tết, ông Thắng cho hay. Nếu chọn nghỉ từ 28 Âm lịch, người dân có nhiều thời gian về quê hơn nhưng quãng nghỉ sau Tết lại ngắn và lao động phải trở lại thành phố sớm hơn. Cuối cùng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa hai phương án song đề xuất nghỉ từ ngày 29 Âm lịch vì thời điểm trước và sau Tết hài hòa, thuận tiện cho người dân về quê và trở lại làm việc ngày mùng 6 tháng giêng.

"Lịch nghỉ Tết vẫn đang lấy ý kiến và có thể sẽ thêm phương án. Cơ quan soạn thảo sẽ tích cực lắng nghe các đề xuất để chọn phương án phù hợp, thuận lợi nhất cho người dân", ông Thắng nói.

Người dân Nhật Tân (Hà Nội) thu hoạch hoa đào giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Giang Huy

Người dân Nhật Tân (Hà Nội) thu hoạch hoa đào giáp Tết Nguyên đán

Nhìn lại lịch nghỉ Tết Nguyên đán từ năm 2015 đến nay, phần lớn thời điểm nghỉ luôn cận Tết một đến hai ngày, ngoài Tết Bính Thân 2016 nghỉ từ 28 tháng Chạp. Thời gian nghỉ Tết Mậu Tuất 2019 kéo dài 9 ngày, cũng từ 28 Âm lịch do liền kề hai cuối tuần, song thực tế bắt đầu từ 30 tháng Chạp nếu tính ngày nghỉ chính thức.

Khảo sát trực tuyến về phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái cho thấy nhiều lao động muốn được nghỉ sớm trước Tết thay vì nghỉ dài. Cụ thể, với gần 9.500 độc giả tham gia, cho kết quả 93% lựa chọn nghỉ từ 28 Âm lịch, 4% chọn ngày 29 và chỉ 3% chọn ngày 30 tháng chạp.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đánh giá kỳ nghỉ quan trọng nhất năm bắt đầu trước Tết chỉ một đến hai ngày là muộn. Chọn phương án nghỉ từ 29 hay 30 Âm lịch, công chức, lao động không có nhiều thời gian chuẩn bị cho gia đình, cũng không còn toàn tâm toàn ý cho công việc.

Ông lý giải, người Việt trong tâm thức luôn coi 23 tháng Chạp bắt đầu là Tết, nhiều người cho rằng không khí chuẩn bị Tết mới là vui nhất, có ý nghĩa nhất. "Nhìn vào văn hóa truyền thống lẫn thực tế cuộc sống, các nhà quản lý cũng nên thay đổi suy nghĩ để đưa ra kỳ nghỉ phù hợp, trong đó xem xét cho nghỉ trước Tết sớm hơn, nhiều ngày hơn", ông Sơn nói.

Chuyên gia nhìn nhận dù nghỉ Tết chính thức 5 ngày nhưng tính tổng số ngày nghỉ chính thức của Việt Nam vẫn ít hơn so với nhiều nước trên thế giới. Nếu vì luật đã quy định, cơ quan quản lý nên vận dụng linh hoạt hơn như hoán đổi lịch làm việc để có kỳ nghỉ dài trong dịp lễ quan trọng nhất năm.

Dòng xe nối nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), chiều 28 Tết Quý Mão. Ảnh: Gia Chính

Dòng xe nối nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), chiều 28 Tết Quý Mão

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay nghỉ sát Tết luôn gây áp lực lớn khi tàu xe, máy bay tăng chuyến hết công suất, giá vé cũng tăng cao. Vì thế, thời điểm nghỉ nên sớm hơn thay vì 29 hoặc 30 Âm lịch để giảm tải giao thông, đường sá.

Song với năm nay, nếu nghỉ từ 28 Âm lịch thì thời gian nghỉ sau Tết sẽ ngắn. Các gia đình không đủ thời gian vui chơi, đi lại thăm hỏi họ hàng. Nếu nghỉ dài hơn lại ảnh hưởng hoạt động của cơ quan hành chính hoặc đơn vị có giao thương quốc tế.

Giữa hai phương án, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nghỉ từ 29 tháng chạp phù hợp hơn, dù chưa phải là tối ưu giúp giãn mật độ phương tiện giao thông những ngày giáp Tết.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nếu muốn nghỉ sớm có thể áp dụng nguyên tắc hoán đổi, đi làm vào tuần kế tiếp để kỳ nghỉ dài hơn. Nếu không còn phương án nào khác, ông đồng tình nghỉ từ 29 tháng chạp để việc đi lại của người dân đỡ cập rập.

Chuyên gia nhìn nhận cấp có thẩm quyền nên đưa ra nguyên tắc chung cho lịch nghỉ Tết Nguyên đán, áp dụng lâu dài thay vì năm nào cũng phải gửi văn bản xin ý kiến bộ ngành.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, dù theo nguyên tắc nào cũng cần tạo điều kiện cho người dân về quê sớm trước Tết, thay vì thực hiện cứng nhắc theo quy định. Vận dụng phù hợp hoàn cảnh, nguyện vọng chắc chắn sẽ được người dân ủng hộ.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cho rằng, năm nào các bộ ngành cũng phải bàn bạc lịch nghỉ Tết là "mất thời gian và hình thức", trong khi doanh nghiệp cần biết sớm để chủ động bố trí sản xuất. Trên thực tế, việc thực hiện quy định nghỉ Tết cũng không đồng bộ khi nhiều người lao động vẫn xin nghỉ sớm để về quê.

Theo ông Lộc, lịch nghỉ Tết nên được cố định như ngày khai giảng hàng năm, song áp dụng nguyên tắc nghỉ liền kề, nghỉ kế tiếp, nếu có ngày xen kẽ thì cho làm bù vào tuần tiếp theo. "Cơ quan quản lý nên thay đổi thay vì năm nào cũng phải xin ý kiến, để cả xã hội phải ngóng chờ", ông nói.

Theo VnE
(0) Bình luận
Vì sao không nghỉ Tết sớm hơn?