Ba trường Đại học Việt - Đức, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Việt - Nhật sẽ tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực.
Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội hôm 30/11.
Theo dự kiến của bộ, Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là Đại học Việt - Pháp) và Trường Đại học Việt - Nhật, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sẽ được phát triển thành các trường đại học quốc tế xuất sắc.
Các trường này sẽ tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiềm năng, thu hút tỷ lệ lớn giảng viên, sinh viên, học viên quốc tế tới làm việc, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Bộ chưa cho biết các thông tin cụ thể hơn.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Vụ phó Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết định hướng phát triển ba trường trên đã có trong nghị quyết của Trung ương, khẳng định vai trò của các trường này trong hệ thống giáo dục đại học.
Cụ thể, Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển Trường Đại học Việt - Đức và một số trường đại học lớn theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á (ngoài Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Khác với những trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài, những trường này mang tính hợp tác giữa hai chính phủ, cùng đầu tư các nguồn lực cho trường.
"Gọi là xuất sắc để thể hiện định hướng phát triển vượt trội và thực sự họ cũng phải chủ động bằng nội lực để xứng đáng với đầu tư của cả hai bên", ông Dũng nói.
Thực tế, năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng chủ trương xây dựng bốn đại học công lập xuất sắc với đẳng cấp quốc tế, gồm Đại học Việt - Đức, Đại học Việt - Pháp và hai trường khác ở Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trong đó, Đại học Việt - Đức được thành lập năm 2008 theo hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Đức.
Đại học Việt - Pháp (nay là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) được thành lập năm 2009 với thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Pháp.
Cả hai trường được xây dựng dựa trên nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, lần lượt là 180 và 190 triệu USD.
Còn Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập năm 2014 với vốn đầu tư 330 triệu USD. Trong số này, vốn vay ODA của chính phủ Nhật là 200 triệu USD, 100 triệu USD từ tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản và 30 triệu USD vốn đối ứng từ chính phủ Việt Nam.
Cả ba hiện đều có tính quốc tế cao, đào tạo các ngành thế mạnh của Đức, Pháp và Nhật Bản, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Quy mô tuyển sinh mỗi trường khoảng 400 - 850 sinh viên một năm.
Đại học Việt - Đức, Khoa học và Công nghệ Hà Nội giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ ngành dược), chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, bằng cấp được công nhận ở châu Âu. Còn ở Trường Đại học Việt - Nhật, các chương trình ở bậc cử nhân vẫn dạy cả bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, tùy ngành, nhưng ở bậc thạc sĩ, tất cả bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
"Trong bối cảnh hiện nay, cụ thể hóa định hướng phát triển ba trường trên thành các trường đại học quốc tế xuất sắc trong dự thảo quy hoạch là phù hợp. Việt Nam đang có những mô hình đặc thù này và sẽ sử dụng để thúc đẩy", ông Dũng cho biết thêm.
Hiện Việt Nam có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Tới năm 2030, tổng quy mô đào tạo kỳ vọng đạt 3 triệu người.
Theo VnExpress