Giải bài toán nâng cao chất lượng liên kết đào tạo đại học quốc tế

24/08/2022 07:40

Theo các chuyên gia, việc thứ hạng các trường đối tác trong liên kết đào tạo quốc tế của Việt Nam chưa cao là thực tế khó tránh khỏi, vì vậy nên xét chất lượng dựa trên kiểm định.


(Ảnh minh họa)

Giải pháp nào để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế? Xu hướng liên kết đào tạo? Thí sinh có thể dựa vào tiêu chí nào để biết được chất lượng các chương trình liên kết? Đây là những vấn đề được các diễn giả đặt ra tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo liên kết Quốc tế” do Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT, tổ chức ngày 23/8.

62,71% trường đối tác thứ hạng thấp

Một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế có uy tín thông qua việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến.

Việc liên kết đào tạo với nước ngoài giúp người học có thể tiếp cận với chương trình giáo dục quốc tế với chi phí thấp hơn đồng thời thúc đẩy các đại học nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, mở rộng hội nhập.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Các chương trình liên kết đào tạo chủ yếu với các cơ sở giáo dục đại học tại Vương quốc Anh (101 chương trình), Mỹ (59 chương trình), Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình),  Hàn Quốc (27 chương trình), New Zealand (16 chương trình), Đức (10 chương trình), Bỉ (10 chương trình)…


Các chương trình liên kết đào tạo chia theo quốc gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đang có những hạn chế khi có đến 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo bảng xếp hạng QS Ranking và THE năm 2021); 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+. Số cơ sở đối tác trong nhóm xếp hạng 501-1.000, nhóm 301-500, nhóm 100-299, mỗi nhóm chiếm trên 9%. Bên cạnh đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào môn ngoại ngữ thấp.

Nên chú trọng kiểm định hơn thứ hạng

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số những đơn vị triển khai mạnh nhất hoạt động liên kết đào tạo. Thông tin tại tọa đàm, giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay hiện có ba loại hình liên kết: Do trường đại học đối tác cấp bằng, do cả hai bên cùng cấp bằng và do trường đại học Việt Nam cấp bằng. Trong số đó, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình liên kết phổ biến nhất là do đơn vị này cấp bằng.

Chia sẻ về việc tỷ lệ cơ sở đối tác liên kết đào tạo của các trường đại học Việt Nam hiện nay còn thấp, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay có thực tế là các trường tốp dưới sẽ nhiệt tình hơn trong việc liên kết đào tạo so với các trường tốp đầu.


Liên kết đào tạo quốc tế tập trung nhiều vào khối ngành kinh tế và quản lý.

Phân tích cụ thể hơn, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay quan hệ trong đối tác phải là hai bên cùng có lợi.

Đối với trường thứ hạng cao, liên kết nước ngoài cũng là tiêu chí đánh giá xếp hạng về khả năng quốc tế hóa. Các trường này cũng có nguồn thu lớn từ chuyển giao công nghệ. Vì thế, trường xếp hạng cao sẽ không mặn mà với việc liên kết quốc tế, nhất là với các trường thứ hạng thấp hơn.

“Trường xếp thứ hạng cao nhưng nếu họ không tha thiết thì khi triển khai hoạt động liên kết cũng không hiệu quả. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể liên kết được với các trường nhiệt tình với Việt Nam,” giáo sư Đức cho hay.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng thứ hạng chỉ là quy định khuyến cáo, kiểm định chất lượng mới là quy định bắt buộc trong liên kết đào tạo quốc tế. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương liên kết đào tạo phải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định uy tín tại nước sở tại.


Số chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở bậc tiến sỹ còn rất hạn chế.

Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bày tỏ sự lạc quan khi các trường đại học của Việt Nam đang ngày càng nâng cao vị trí trên các bảng xếp hạng của thế giới. Việc liên kết quốc tế với các trường đối tác theo đó sẽ có thể cải thiện về thứ hạng. Bên cạnh đó, việc tự chủ đại học cũng sẽ là cú hích giúp các trường tăng cường nâng cao chất lượng, mở rộng hội nhập.

Đây cũng là nhận định của bà Đoàn Thanh Hương, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT. Bà Hương cho hay hiện FPT đang liên kết với khoảng 50 cơ sở đào tạo nước ngoài. Kinh nghiệm của FPT trong đảm bảo chất lượng đào tạo là đối tác phải đáp ứng bốn tiêu chí: Có thứ hạng tốp 1.000, có thế mạnh trong chuyên ngành liên kết đào tạo, có triết lý giáo dục tương đồng với Đại học FPT và phải phù hợp với đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.

“Với mỗi đơn vị liên kết đào tạo quốc tế, chúng tôi thường mất từ hai đến ba năm để làm việc, đàm phán trước khi triển khai,” bà Hương cho hay.

Bà Hương cho rằng để nâng cao chất lượng các chương trình liên kết quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc sâu sắc hơn nữa, nhất là đưa ra các tiêu chuẩn đủ điều kiện liên kết cao hơn, như đạt đánh giá kiểm định quốc tế, hoặc kiểm tra, phê duyệt chương trình liên kết.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng khuyến cáo thí sinh khi đăng ký học các chương trình liên kết đào tạo cần nghiên cứu kỹ thông tin. Thí sinh có thể vào website của trường đối tác để xem thứ hạng, chương trình đào tạo; tìm hiểu về uy tín, đề án liên kết của trường tại Việt Nam; tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý vấn đề chi phí học phù hợp với khả năng tài chính vì các chương trình liên kết quốc tế đều có mức học phí cao.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Giải bài toán nâng cao chất lượng liên kết đào tạo đại học quốc tế