It nhất 2 nhóm nghiên cứu Việt Nam đang chạy đua nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Corona theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học và công nghệ. Có thể cuối tuần tới, sản phẩm đầu tiên sẽ ra lò.
Virus Corona vừa được phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương
Trao đổi với phóng viên, thành viên của một trong 2 nhóm nghiên cứu cho biết Bộ Khoa học công nghệ giao nhóm thiết lập và tối ưu hóa được quy trình kỹ thuật PCR và Realtime- PCR để phát hiện Virus Corona chủng mới, xây dựng và chế tạo được bộ kit chẩn đoán dựa trên 2 quy trình này đạt đặc hiệu 100% ở độ nhạy dưới 5 copies/phản ứng, sau 1 tháng có sản phẩm để phòng chống dịch.
Công trình này được giao cho Học viện Quân y và một đơn vị chuyên về xét nghiệm ở Việt Nam thực hiện.
Nhóm nghiên cứu cho biết hiện kit xét nghiệm virus Corona ở Việt Nam đều do Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế cung cấp, mỗi mẫu cần sử dụng tới 3 giếng xét nghiệm nên mỗi lần chạy chỉ được 32 mẫu, với số bước thực hiện phức tạp hơn, chi phí hóa chất cao.
"Bộ Khoa học công nghệ đặt hàng nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm tương tự nhưng trong điều kiện dịch bùng phát, chúng tôi đã chỉnh lại, mỗi mẫu xét nghiệm chạy ở một giếng, mỗi lần chạy máy sẽ xét nghiệm được số mẫu gấp 3 so với hiện tại và số bước thực hiện rút ngắn hơn, chi phí hóa chất sẽ giảm xuống còn 1/3 so với hiện nay"- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Đặc biệt, dù mới nhận được đặt hàng từ đầu tuần này nhưng sản phẩm đã hoàn thiện các bước đầu tiên và dự kiến sẽ được cho ra lò vào cuối tuần tới (hoàn thành trong 2 tuần), nhanh hơn hơn dự kiến ban đầu 1/2 thời gian.
Bên cạnh đó, một nhóm các nhà khoa học trong đó có TS Lê Quang Hòa và TS Nguyễn Lê Thu Hà cũng đang thực hiện một hướng nghiên cứu khác để sản xuất kit thử virus corona trên kỹ thuật LAMP, ưu điểm của kỹ thuật này là thiết bị đơn giản, độ nhạy cao...
Trả lời phóng viên, nhóm nghiên cứu cho biết từ tháng 12.2019, khi dịch bệnh này xuất hiện ở Trung Quốc, nhóm đã theo dõi và có dự định phát triển bộ kit chẩn đoán.
"Ngày 13.1, khi có kết quả giải trình tự gen virus corona, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu dựa trên bộ gen virus nhân tạo, hiện nay chúng tôi đang chờ để tiếp cận virus thu thập trên bệnh phẩm của bệnh nhân và phát triển bộ kit chẩn đoán" - nhóm nghiên cứu cho biết.
Trước đó, nhóm nghiên cứu này cũng đã phát triển bộ kit chẩn đoán dịch tả lợn (năm 2019 bùng phát ở Việt Nam).
So với kỹ thuật PCR và Realtime- PCR, xét nghiệm bằng kỹ thuật LAMP nhanh hơn khoảng 30 phút. Nhưng so về thời gian ra mắt sản phẩm sử dụng được rộng rãi, nhóm sản xuất trên quy trình PCR và Realtime- PCR sẽ có sản phẩm sớm hơn. Dự kiến trong tuần tới, sản phẩm kit xét nghiệm "made in Việt Nam" sẽ được ra mắt lần đầu.
Theo Tuổi trẻ