Từ ngày 28-9, NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được áp lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi USD của các tổ chức, với tiền gửi USD của các cá nhân chỉ còn 0,25%/năm.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn và đặc biệt tình trạng găm giữ USD sẽ được đẩy lùi.
Dòng vốn được luân chuyển nhiều hơn
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận định, Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát tốt hơn sự chu chuyển của các dòng vốn, góp phần thực hiện các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế vĩ mô, chứ không chỉ riêng mục tiêu của chính sách điều hành tỷ giá.
Việc điều chỉnh này cũng được lãnh đạo VietinBank phân tích: doanh nghiệp khi có USD sẽ phải tính toán lại xem nên để trên tài khoản hay đưa ra thị trường rồi sau đó sẽ mua lại. Còn nếu găm giữ để sinh lời thì chắc chắn sẽ không còn tâm lý đó nữa. Đối với người dân cũng vậy, việc găm giữ USD thời điểm này sẽ không thể bằng gửi VND, việc cân đối lợi ích giữa VND và USD sẽ phải đặt ra.
"Việc hạ lãi suất đồng USD khiến tính hấp dẫn của việc gửi đồng USD sẽ kém đi rất nhiều. Người dân và doanh nghiệp sẽ giảm nắm giữ USD mà chuyển sang gửi tiền VND, như vậy dòng vốn sẽ được luân chuyển nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh và một số lĩnh vực khác", ông Thọ phân tích.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất đồng USD có thể khuyến khích dòng tiền sẽ chảy vào thị trường bất động sản khi thị trường này đang có dấu hiệu khả quan.
Trên phương diện lý luận, việc hạ lãi suất tiền gửi có nghĩa là chính sách tiền tệ đang nới lỏng để bơm một lượng tiền ra thị trường nhằm khuyến khích phát triển kinh tế.
Còn hiện nay, thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng thương mại thời điểm này đang rất tốt nên các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm nếu có nhu cầu ngoại tệ các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều người lo ngại, dòng vốn huy động USD sẽ chảy ra khỏi ngân hàng, tuy nhiên một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông đánh giá: Vài năm nay, lãi suất tiền gửi USD thấp hơn rất nhiều so với VND. Cả doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều nhìn thấy rõ giữ cái nào có lợi hơn nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản của toàn hệ thống. Họ sẽ tính toán lợi ích để chuyển đổi.
Nâng cao vị thế của VND
Đón nhận thông tin khá “sốt” này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng, bản thân ông không quá bất ngờ về việc giảm lãi tiết kiệm USD, bởi đây là quyết định nằm trong sự tính toán từ trước về chủ trương chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước. Với mức lạm phát 9 tháng qua tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, cộng với quyết định cắt giảm lãi suất USD, theo ông Kiêm, gửi VND có lợi hơn rất nhiều so với USD.
Theo đó, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước tạo thêm lợi thế cho VND, kích thích thêm nguồn cung ngoại tệ và liên quan là tạo điều kiện để kiểm soát tỷ giá. Đây cũng là một đích đến trực tiếp bên cạnh chống đô la hóa nói trên.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng, vấn đề này nằm trong lộ trình chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước và là một trong những giải pháp để tiếp tục ổn định tỷ giá và khi giảm lãi suất cũng sẽ giảm tính hấp dẫn của đồng USD. Người dân hoặc tổ chức mong muốn đầu tư bằng đồng USD để ăn chênh lệch sẽ giảm đi, qua đó cũng sẽ giảm áp lực tỷ giá. Đây là một giải pháp gián tiếp góp phần ổn định tỷ giá.
Ngoài việc ổn định tỷ giá, một chuyên gia đánh giá việc hạ lãi suất tiền gửi đồng USD sẽ giúp hạ lãi suất huy động và cho vay VND.
Chuyên gia này phân tích: “Khi người dân không gửi đồng USD nữa mà chuyển sang VND thì nguồn cung VND sẽ dồi dào. Đây là cơ hội để hạ lãi suất huy động và tiến tới hạ lãi suất cho vay. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế lãi suất huy động VND có giảm được hay không thì phải chờ phản ứng của thị trường trong một thời gian nữa.
Không chỉ có các chuyên gia trong nước quan tâm đến việc điều chỉnh lãi suất huy động USD, trong sáng nay các chuyên gia của ANZ cũng cho rằng, trong khi trần lãi suất ngắn hạn đối với tiền đồng giữ nguyên ở mức 5,5% thì động thái vừa qua rõ ràng cho thấy các nhà điều tiết đang theo đuổi chính sách chống đô la hóa.
Đặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia này, dù từ đầu năm đến nay, đồng VND đã được điều chỉnh giảm khoảng 5% so với USD, nhưng đây vẫn là một trong những đồng nội tệ có tính bền vững và ít biến động nhất trong khu vực nhờ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục được duy trì.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng, có thể FED sẽ tăng lãi suất vào cuối năm và như vậy sẽ có sóng tỷ giá. Giải thích vấn đề này, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục theo dõi bám sát động thái của FED đối với lãi suất, trong trường hợp FED điều chỉnh theo hướng tăng lên thì Ngân hàng Nhà nước cũng phải có những nghiên cứu đánh giá và có những đối sách kịp thời để tiếp tục có những cam kết ổn định tỷ giá.
Theo Vietnam+