Phong tục - Lễ hội

Dòng sông dậy sóng:
Bài 3 - Hùng khí lưu truyền

VŨ TRUNG 17/02/2024 15:00

Những cuộc hội quân oai hùng, những trận đánh khí thế ngút trời ở Vạn Kiếp của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vẫn còn âm vang, lưu truyền đến ngày nay.

dsc_7966(1).jpg
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu kết hợp nhịp nhàng giữa khung cảnh dưới sông với trên bờ tạo nên không gian hoành tráng, tái hiện hào khí Đông A. Ảnh: Thành Chung

Mỗi dịp Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc, anh Ngô Quang Tuấn, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) lại đi trẩy hội. Một trong những nghi lễ anh không thể bỏ qua là Lễ hội quân trên sông Lục Đầu (khu vực ngoài sông trước cửa đền Kiếp Bạc). "Dự lễ hội quân, chúng tôi như được sống trong quá khứ hào hùng của ông cha, nhất là những trận đại thắng trên sông Lục Đầu trong cuộc kháng chiến chống lại quân Nguyên Mông hung tàn xâm lược nước ta", anh Tuấn nói.

Lễ hội mùa thu Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 10 - 20/8 âm lịch hằng năm nhằm thể hiện lòng tôn kính, biết ơn công lao to lớn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong 3 lần kháng chiến thần thánh chống giặc Nguyên Mông. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu luôn là lễ trọng của mùa lễ hội.

Lễ hội quân có từ bao giờ thì hiện nay không còn thông tin chính thức ghi chép. Theo một số cụ cao niên ở xã Hưng Đạo (Chí Linh), khi còn nhỏ thấy mỗi dịp vào chính hội Kiếp Bạc, chính quyền địa phương và nhân dân đều tổ chức Lễ hội quân trên sông Lục Đầu (còn gọi là Lễ rước thủy). Các làng chài quanh khu vực mang theo thuyền được trang trí rực rỡ đến dự hội. Người dân mặc quần áo đóng làm quân nhà Trần và quân Nguyên Mông tổ chức giao chiến trên sông. Lễ hội quân nhằm tái hiện "hào khí Đông A" trong các cuộc chiến trên sông Lục Đầu giữa quân đội nhà Trần với quân Nguyên Mông. Đặc biệt là cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến ở Đông Bộ Đầu tháng 8 năm Giáp Thân (1284) và cuộc hội ngộ của 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm "sát Thát" át cả sao Ngưu, thể hiện "hào khí Đông A" hùng tráng ngất trời ở ngay trên bến Vạn Kiếp năm xưa.

Từ năm 2006 khi Hải Dương bắt đầu thực hiện Đề án Nâng cấp Lễ hội truyền thống Côn Sơn-Kiếp Bạc giai đoạn 2006-2010, Lễ hội quân cũng như hàng loạt lễ hội khác lần lượt được phục dựng như ngày nay.

Lễ hội quân được phục dựng với không gian chính là dưới sông Lục Đầu và trên bờ. Những năm đầu phục dựng, Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc mời các ngư dân của một số làng chài trong và ngoài tỉnh như Yết Kiêu (Gia Lộc), Thanh Hải (Thanh Hà), Kênh Giang (Chí Linh), Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh), Cát Bà, Cát Hải, Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) mang theo hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ về dự hội. Riêng 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo, Chí Linh), mỗi làng chuẩn bị 2 thuyền rước lễ phẩm tiến Thánh. Hiện nay, do một số nguyên nhân, thuyền dự lễ hội quân chủ yếu của làng Kênh Giang.

Hàng chục chiếc thuyền được chia thành 2 đoàn. Các thuyền đều được trang trí những dải vải đỏ lượn sóng 2 bên mạn. Mỗi thuyền có 10 người mặc quần áo thủy binh nhà Trần đứng dàn xung quanh. Những chiếc thuyền to treo các tấm phướn lớn, mỗi tấm phướn là một bức đại tự bằng tiếng Hán, thuyền nào không treo phướn thì treo cờ hội loại lớn. Đoàn thứ nhất từ phía đền Nam Tào với thuyền chủ có tên "Nhạc Độc Chung Linh" xuất phát từ vị trí Cồn Kiếm. Đoàn thứ hai tập kết trước đền Bắc Đẩu, thuyền chủ mang tên "Âm Dương Hợp Đức", 5 thuyền mang biển Thanh Long, Bạch Hổ và các thuyền sau mang biển câu đối: "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh". Hai đoàn thuyền sẵn sàng đợi lệnh hội quân. Khi pháo hiệu vang lên, 2 đoàn thuyền từ vị trí xuất phát tiến về đoạn sông khu vực giữa lễ đài và giao nhau 3 lần gắn với 3 chủ đề lần lượt là: "Hào khí Đông A", "Hùng khí Lục Đầu", "Ca khúc khải hoàn".

Dưới nước hùng khí ngút trời, trên bờ không khí cũng không kém phần sội động, rực rỡ. Ban tổ chức lễ hội cắm hàng trăm hồng kỳ, cờ đứng và hàng nghìn người reo hò cổ vũ mỗi khi các đoàn thuyền giao nhau. Trên bãi đất ven sông, các đội múa rồng lân, hàng trăm võ sinh của môn phái võ Nhất Nam, đội võ gậy ở Hội Xuyên (Gia Lộc) - quê hương danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa, một tướng tài của Trần Hưng Đạo, biểu diễn các màn võ thuật. Không khí dưới sông, trên bờ hợp với nhau cùng thời điểm khiến du khách dự hội náo nức, bồi hồi và ngỡ mình đang được chứng kiến cảnh hội quân của quân dân nhà Trần cách đây hơn 700 năm.

hoiquan2-1-(2).jpg
Dự Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, du khách thập phương như lạc vào cuộc hội quân cách đây hơn 700 năm của quân dân nhà Trần. Ảnh: Thành Chung

TS. Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp bạc cho biết: "Ở phần biểu diễn võ thuật, Ban tổ chức đã tái hiện lại trận đồ Hưng Đạo Đại vương bày để bắt tướng Phạm Nhan của quân Nguyên Mông trên sông Lục Đầu".

Kỳ sau: Khơi dòng phát triển

VŨ TRUNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng sông dậy sóng: Bài 3 - Hùng khí lưu truyền