Về Cẩm Giàng những ngày này, ở khắp các vùng nông thôn, chúng tôi thấy ai cũng vui mừng xen lẫn tự hào bởi Cẩm Giàng vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới (NTM).
Huyện Cẩm Giàng đã đầu tư gần 8,4 tỷ đồng từ ngân sách xây dựng bể bơi
Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.
Chính quyền quyết tâm
Phong trào xây dựng NTM như một "cuộc cách mạng" đã thổi luồng sinh khí mới, tác động vào tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến đời sống của người dân trong huyện. So với trước khi xây dựng NTM, nông thôn Cẩm Giàng đã "thay da đổi thịt" hoàn toàn. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện gặp không ít khó khăn, thách thức khi mỗi xã mới đạt 6,17 tiêu chí. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mơ hồ, chưa đồng thuận xây dựng NTM. Mặc dù vậy, Đảng bộ, chính quyền Cẩm Giàng vẫn xác định chỉ có xây dựng NTM thì chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng cao, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mới phát triển, do đó huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình để thực hiện.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân từ năm 2011-2017, Cẩm Giàng đã đạt 5 trong 9 tiêu chí cấp huyện, 9 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã hoàn thành 19 tiêu chí, 4 xã còn lại đạt từ 16 - 17 tiêu chí/xã. Kết quả này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong phong trào xây dựng NTM của huyện. Đồng chí Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: "Đến cuối năm 2017, chúng tôi nhận thấy kết quả xây dựng NTM của huyện rất khả quan. Khí thế xây dựng NTM ở các địa phương đang lên rất cao. Cùng với đó, tỉnh có cơ chế hỗ trợ mạnh nên sau khi bàn bạc, Cẩm Giàng quyết định đăng ký với tỉnh xây dựng huyện NTM trong năm 2018, sớm 1 năm so với kế hoạch".
Mặc dù kết quả đạt được rất khả quan nhưng để hoàn thành huyện NTM thì đòi hỏi phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian gấp rút nên lãnh đạo huyện Cẩm Giàng phải phân công cho từng đồng chí, thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các xã. Qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ. Ngoài phát huy trí tuệ tập thể, huyện đề cao vai trò của người đứng đầu bằng việc phân quyền, giao trách nhiệm cụ thể. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao mỗi tổ chức, đoàn thể đăng ký một nội dung công việc cụ thể.
Để các xã về đích đúng hẹn, huyện Cẩm Giàng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương. Năm 2017, huyện trích 20 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách hỗ trợ các xã xây dựng công trình. Năm 2018, huyện hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng xây dựng các tuyến đường hoa, cải tạo môi trường. Đối với những xã khó khăn, nợ xây dựng cơ bản lớn, huyện có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đến nay, Cẩm Giàng không còn nợ xây dựng cơ bản các công trình NTM. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết: "Mặc dù còn một số tiêu chí chưa đạt, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp nhưng với quyết tâm thực hiện mục tiêu chung của huyện nên chúng tôi đã xây dựng lộ trình hợp lý, rõ ràng để thực hiện. Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Cẩm Vũ là một trong 4 xã cuối cùng của huyện Cẩm Giàng đã được công nhận NTM".
Nhân dân đồng thuận
Không chỉ huyện, xã quyết tâm xây dựng NTM mà mỗi người dân trong huyện Cẩm Giàng cũng muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào phong trào chung. Bà Hồ Thị Lan ở thôn 2, xã Cẩm Sơn cho biết: "Trước đây, đường trục chính của xóm nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, thôn đã vận động người dân đóng góp công sức, ngày công, tiền bạc làm lại đường. Mặc dù mỗi khẩu phải đóng gần 1 triệu đồng nhưng các gia đình đều rất phấn khởi vì có đường mới để đi".
Mỗi người dân Cẩm Giàng lại có một cách thức khác nhau để xây dựng NTM song đều thể hiện bằng việc làm, hành động cụ thể. Anh Nguyễn Xuân Đại ở thôn Trại Mai Trung, xã Tân Trường chia sẻ: "Trang trại chăn nuôi kết hợp thủy sản của gia đình tôi tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Để thuận tiện cho người dân đi lại từ trong làng ra khu chuyển đổi, tôi cùng với chủ 1 trang trại khác tự bỏ kinh phí ra làm đường bê tông dài gần 1 km, rộng 3,5 m. Hiện không chỉ chúng tôi mà những gia đình có ruộng ở khu vực này đều đi lại rất thuận tiện".
Phong trào xây dựng NTM đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân Cẩm Giàng. Cảm nhận của hầu hết người dân nơi đây sau khi xây dựng NTM thành công là hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu nhập không ngừng được tăng lên, môi trường sống trong lành, an ninh trật tự ổn định. Bà Nguyễn Thị Phương ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng cho biết: "Chưa bao giờ tôi thấy làng quê đổi mới mạnh mẽ như mấy năm gần đây. NTM là những ngôi nhà cao tầng hiện đại, trường học, trạm y tế, đường làng, ngõ xóm hoàn thiện... chứ không còn lụp xụp, nhỏ bé, thiếu thốn như trước đây".
Không bằng lòng với những gì đã đạt được, thời gian tới, huyện Cẩm Giàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Huyện sẽ tiếp tục tập trung quy hoạch các vùng sản xuất đưa thêm các giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất cao vào sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chú trọng các vấn đề môi trường và an ninh trật tự.
Từ năm 2011 đến nay, kinh phí xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đạt hơn 1.976 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ 618,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 148 tỷ đồng; 37 tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp; còn lại là các nguồn vốn khác. Cẩm Giàng là huyện duy nhất của tỉnh có 3 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 41,5 triệu đồng, tăng 21,9 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 1-2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 155 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn dưới 1%. |
NGỌC THỦY