Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã đem hết trí lực, tâm huyết, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do của đất nước, của dân tộc.
Đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trở về sau khi ký chính thức hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris tháng 2.1973
Là một cán bộ lãnh đạo tài năng trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, tổ chức... đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao đảm nhận nhiều trọng trách của Đảng, của đất nước. Song, ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã đem hết trí lực, tâm huyết, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do của đất nước, của dân tộc.
Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng
Đồng chí Lê Đức Thọ (Sáu Thọ), tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10.10.1911 tại Nam Định, trong một gia đình nho giáo. Với lòng yêu nước và hoài bão của tuổi trẻ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Được hoạt động và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, năm 1929, khi tròn 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thuộc lớp những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí hai lần bị địch bắt, bị kết án tổng cộng 15 năm tù, lưu đày khổ sai ở Côn Đảo, nhà tù Sơn La, Hòa Bình, Cửa Lò, nhưng đồng chí vẫn tích cực hoạt động với tinh thần lạc quan cách mạng, thể hiện ý chí gang thép, bất khuất, kiên cường của người chiến sỹ cộng sản.
Đồng chí Lê Đức Thọ trên đường đi công tác trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975
Thoát khỏi ngục tù đế quốc (tháng 9.1944), đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang để quyết định Tổng khởi nghĩa, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Trung ương Đảng, cùng ban lãnh đạo tối cao của Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 9.1948, trên cương vị Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử làm Trưởng phái đoàn của Đảng, Chính phủ và quân đội vào kiểm tra, giúp đỡ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Do yêu cầu thực tiễn của chiến trường, đồng chí Lê Đức Thọ cùng đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi.
Hiệp định Geneve được ký kết, sau khi cùng Xứ ủy và đồng chí Lê Duẩn sắp xếp lại tổ chức chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, tháng 1.1955 đồng chí tập kết ra Bắc và được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức của Đảng. Hội nghị đã phân tích tình hình công tác tổ chức, xác định chuyển hướng công tác tổ chức và cán bộ theo yêu cầu cách mạng: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh tình hình nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ đã tập trung sức lực, trí tuệ vào việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng; xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền Nam-Bắc.
Sau thành công này, đồng chí trực tiếp chỉ đạo cán bộ trong Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị Dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo cáo khẳng định những thành tựu to lớn về xây dựng Đảng, phân tích sâu sắc những khuyết điểm trong xây dựng Đảng; tổng kết thực tiễn chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, những vấn đề về phê bình và tự phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhân dân... Đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu lịch sử Đảng. Đặc biệt, trên cương vị là Trưởng Tiểu ban nhân sự (Đại hội III đến Đại hội IV), đồng chí đã có nhiều đóng góp giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt việc bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Đại hội.
Trên cương vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo bổ nhiệm, điều động cán bộ cho đúng người, đúng việc. Đồng chí cũng nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, không được cậy quyền thế, không lộng quyền. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với công tác tổ chức, Đảng ta khẳng định "Trong nhiều năm phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng, là lĩnh vực công tác rất khó khăn, phức tạp, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích đối với công cuộc đổi mới hiện nay".
Nhà ngoại giao chiến lược tài ba
Đồng chí Lê Đức Thọ còn được biết đến là một nhà ngoại giao, một nhà đàm phán kiệt xuất. Tên tuổi Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới với cuộc đàm phán kéo dài tới hơn 4 năm - cuộc đàm phán có thể nói là dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris ngày 27.1.1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tháng 5.1968, Bác Hồ gọi đồng chí Lê Đức Thọ ra Hà Nội và cử làm Cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pari bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ ký tắt Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 23.1.1973
Khi chọn người làm "Cố vấn đặc biệt" cho đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với đoàn đàm phán Chính phủ Hoa Kỳ, Bác Hồ biết rằng: đàm phán với các chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi và cơ mưu của Hoa Kỳ - siêu cường hùng mạnh, trong lịch sử cận đại chưa từng thua cuộc chiến tranh nào, có ưu thế tuyệt đối về phương diện chiến tranh so với Việt Nam, là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Đây là một cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go ở một trung tâm của phương Tây, xa Trung ương, nên lãnh đạo đàm phán trực tiếp không chỉ cần tinh thần cách mạng tiến công và ý thức kỷ luật mà còn phải có tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, khôn khéo. Đồng chí Lê Đức Thọ là người thích hợp nhất khi đó, vì ở đồng chí có sự hội tụ đủ các yêu cầu của một nhà đàm phán quốc tế về mọi vấn đề liên quan tới chiến tranh và hòa bình của Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền.
Là một người năng nổ, xông xáo, kiên nghị, khi được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ xác định đó là một nhiệm vụ cách mạng và ý thức sâu sắc được những thuận lợi và khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này.
Trong suốt thời gian đàm phán ở Paris, đồng chí được ví như vị tướng ở ngoài biên ải. Đồng chí đã vận dụng tài tình phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hướng vào mục tiêu chiến lược là buộc Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh phá hoại miền Bắc, để từ chỗ làm cho "Mỹ cút" tiến tới đánh cho "ngụy nhào". Trong cuộc đấu trí dai dẳng và gian nan đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã phát huy cao độ tác động của sách lược “đánh và đàm”, chủ động tấn công ngoại giao đến cùng, làm thất bại mọi âm mưu và làm phá sản mọi con bài ngoại giao của đối phương. Tài năng của đồng chí khiến Henry Kissinger - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ phải thốt lên: "Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ", "đàm phán với ông Thọ quả là cân não!".
Sau khi Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký vào ngày 27.1.1973, cả thế giới ca ngợi tài trí ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ. Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao Giải thưởng Hòa bình năm đó cho Lê Đức Thọ, nhưng đồng chí đã không nhận. Với đồng chí, hòa bình và toàn vẹn của Tổ quốc là mục tiêu cần phải tiếp tục phấn đấu không ngừng.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên từng nói: nhiều lúc tôi tự hỏi một người như ông Thọ, không qua một trường lớp ngoại giao nào, có thể nói ngoại giao là nghề tay trái của ông vì sở trường của ông là chính trị, quân sự và tổ chức, nhưng tại sao trong ngoại giao, ông lại thể hiện tài ba đến như vậy, đến kẻ thù cũng phải kính nể ông. Trong suốt quá trình thương lượng, phía Mỹ không ít lần đưa ra những lời đe dọa. Ông Thọ đã không ngần ngại đáp lại: "Chúng tôi đã đánh nhau với các ông 10 năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu".
Và đúng như vậy, dưới mái đầu bạc trắng như mây, vẫn toát lên những lời nói đanh thép, nhiều lần Kissinger phải cúi mặt xuống nghe ông Thọ nói với những từ ngữ khá nặng nề như lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở, lật lọng... Thật là dũng cảm! Không có dũng khí không làm được. Khi nghỉ giải lao, Kissinger hỏi ông Thọ: "Ông có bao giờ phê phán cán bộ mình như phê phán tôi không?". Ông Thọ nói: "Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt, lật lọng, tráo trở đâu mà tôi phê phán họ".
Trong tâm trí của những người đồng chí, đồng đội làm việc cùng thời, hình ảnh người lãnh đạo năng động, sáng tạo, kiên trung, tận tụy, gần gũi, liêm khiết và ngay thẳng, hình ảnh ông “Sáu búa” vẫn mãi in đậm. Đồng chí Phan Văn Khải, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ viết: “Đối với tôi, Lê Đức Thọ thủy chung vẫn là một chiến sỹ Mácxít kiên cường, tài năng, đức độ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, xứng đáng là người học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ”. Mặc dù có rất nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhưng đồng chí luôn khiêm tốn, chỉ coi cuộc đời hoạt động của mình “thật nhỏ bé so với sự nghiệp vĩ đại của hàng triệu của nhân dân”. Đồng chí cho rằng: “Thực ra đời hoạt động của tôi so với sự nghiệp của nhân dân tôi, sự nghiệp của cách mạng, thì có thể nói rằng, nó là một giọt nước trong biển cả”.
Đồng chí Lê Đức Thọ mất ngày 13.10.1990, tại Hà Nội. Cuộc đời hoạt động kiên cường, năng động, sôi nổi với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần quốc tế cao cả. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, tên tuổi, sự nghiệp cao cả và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với Ðảng, với dân tộc vẫn mãi trường tồn. Lịch sử ngoại giao, với những trang vàng chói lọi của cuộc đàm phán lịch sử Paris, luôn ghi công đồng chí - một nhà ngoại giao chiến lược tài ba, mưu lược và khôn khéo.
Theo TTXVN