Tập thơ “Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý” của Kim Chuông gồm 54 bài thơ dài ngắn viết về những hình ảnh cao đẹp, sự hy sinh thầm lặng, cao cả của người mẹ - người vợ - người lính từ quê hương đến chiến trường trận mạc. Là người từng mặc áo lính, làm phóng viên mặt trận ở một tờ báo Quân khu, bằng cảm rung chân thực, nhà thơ - người lính Kim Chuông đã truyền tới tâm hồn người đọc hình ảnh những người mẹ, người lính, người vợ chịu nhiều hy sinh mất mát cho dân tộc ở một thời đánh giặc và dựng xây đất nước.
“Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý” là tập thơ của Kim Chuông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 2.2017. Với lời đề từ: “Làng quê nào chả từ một dòng sông bồi đắp/Trái cây nào chả chín lên từ mao mạch đất”. Đấy là điểm sáng của triết lý nhân sinh mà Kim Chuông muốn lấy đó làm cái trục, xoay quanh những gì về con người, cuộc đời trước nhiều mối liên quan ràng rịt.
Đi giữa thời chiến tranh, trận mạc, vì quê hương, đất nước, “mẹ thấy thân thể xẻ đôi/Gửi vào người con tới những phương trời bừng bừng lửa cháy". Rồi: “Mẹ nối góc sân nhà với đất nước trăm miền qua những bước chân con” (Người mẹ). Bằng những hình ảnh cô đọng, Kim Chuông đã khai thác tới tận đáy nỗi đau trái tim người mẹ, khi mẹ sẵn sàng tiễn những đứa con “rứt ruột đẻ đau” gửi vào mặt trận với lý tưởng lớn lao là đánh giặc, bảo vệ quê hương, Tổ quốc trường tồn.
Xuyên suốt hình tượng người mẹ, người con là nghệ thuật tái tạo và sáng tạo những cảnh huống, những tâm trạng nỗi niềm, những nghĩ suy, chiêm nghiệm. Những phát hiện, kiến giải mang chiều sâu, được kết tinh trong những câu thơ thật điển hình và gợi: "Với mẹ - Con không còn hoàn toàn là một đứa con riêng. Khi ngọn rau khoai lang mẹ hái ven đê sông Trà, hạt lúa gieo trên đồng Dô, đồng Khuốc... cũng là của Việt Nam giành được, thì chúng ta là những tế bào. Đất nước - Con người là cơ thể lớn lao” (Người con).
Với người lính, người con trai, thì: “Đất nước có nỗi đau lâu dài nhất - Chiến tranh!/Nên cuộc đời anh có mảnh đời chiến sĩ/ anh hy sinh một phần cơ thể/ lẽ đương nhiên là thế/khi anh hiểu giá từng thước đất quê nhà đi qua tọa độ bom”. Bởi vậy mà: “Khẩu súng của anh tì vào hướng nào/cũng giống như đang tựa vào sông Trà, tựa vào cây đa làng thân thuộc” (Độc thoại của một người thương binh về làng quê yêu dấu).
Có thể nói bài thơ “Độc thoại của một người thương binh về làng quê yêu dấu” với bài thơ dài mang tên tập thơ, cùng trên 50 bài thơ khác được tập hợp, chọn lựa trong tập “Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý” của Kim Chuông đã thực sự làm nên dòng chảy vọng vang và xoáy xiết, gây ấn tượng và ám ảnh khá mạnh về cuộc chiến anh dũng của dân tộc, về những người mẹ, người vợ, người lính, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đất nước, quê hương “một thời đánh giặc”.
Bằng cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách khai thác khác nhau, Kim Chuông đã thể hiện khá thành công khả năng tung hoành, “văng xa”, tạo nên sự phong phú, sinh động ở thi liệu, ở cảm xúc, ở tứ thơ, tạo nên sức lay động, thành vệt loang thấm chảy dài. Có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay ở tính điển hình hóa, khái quát hóa. Tác giả viết về một người vợ liệt sĩ dệt thảm xuất khẩu: “Tám ngàn nút mỗi ngày em buộc/Đâu buổi chiều tin sét đánh - Người xa/Ngàn tiếng nổ nén dồn trong nút buộc/Ngàn chiến trường thương tích giữa hồn ta” (Bàn tay em buộc). Viết tặng người “Mẹ Việt Nam anh hùng”: “Một đời thờ chồng/Côi quạnh thời son/Bốn nấm mộ trong lòng vùi sâu khuất/Có người mẹ cả một đời là mất/Chỉ cái còn nằm ở dáng quê hương".
Trên cái nền của cuộc chiến tranh cách mạng, khi trực tiếp, khi gián tiếp, khi tự sự hay có thể tìm một cách biểu cảm, thể hiện nào khác, thơ Kim Chuông viết nhiều về người lính, người thương binh, người anh hùng, liệt sĩ. Những bài thơ có rung cảm chân thành, tâm huyết. Những câu thơ với những lấp lánh của chi tiết, ảnh hình có nhiều sự bất ngờ trong phát hiện, kiến giải. Những bài thơ tạo sự đồng cảm, sẻ chia với cảm quan lớn về xã hội - con người.
Trong 30 tập sách đã xuất bản, “Về một người mẹ, về một người con và dòng sông Trà Lý” là tập thơ thứ 20 của Kim Chuông. Tác phẩm vừa được trao giải ba (không có giải nhất) trong cuộc vận động 70 năm viết về đề tài thương binh, liệt sĩ do Hội Nhà văn Việt Nam cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động. Giải thưởng này thêm lần nữa khẳng định sự thành công của Kim Chuông trên con đường lao động và sáng tạo nghệ thuật không ngừng.
NAM PHƯƠNG