Donald Trump đánh cược với rủi ro, Mỹ thể hiện sức mạnh số 1

21/07/2020 14:00

Sức mạnh công nghệ của nước Mỹ tiếp tục được chứng minh khi chỉ số Nasdaq Composite tăng vọt lên đỉnh lịch sử mới, trong khi các ông lớn thế giới chốt lời, rút chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục tỏa sáng trước những kỳ vọng về các ông lớn trong ngành công nghệ và triển vọng thành công trong việc thử nghiệm vaccine Covid-19 cho dù đại dịch vẫn đang hoành hành với số trường hợp nhiễm tiếp tục tăng ở 42/50 bang. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 140.000 người cuối tuần trước.

Lập kỷ lục mới

Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng vọt 2,5% và lên mức cao lịch sử mới: 10.76,09 điểm. Các chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số tầm rộng S&P 500 đều tăng điểm.

Một loạt mã lớn như Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos, Facebook của Mark Zuckerberg, Microsoft của Bill Gate, Netflix, Apple và Alphabet,... giá đều tăng mạnh.

Cổ phiếu Amazon thậm chí tăng tới 7,9% sau khi chuyên gia phân tích của Goldman Sachs nâng giá mục tiêu của cổ phiếu này lên 3.800 USD/cp, mức cao nhất trên Phố Wall, nhờ kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo CNBC, giới đầu tư cũng đặt cược vào triển vọng của một số vaccine đang được nhiều doanh nghiệp, trong đó có Moderna của Mỹ, thử nghiệm và tác động tích cực từ gói kích thích tài khóa.

Donald Trump đánh cược với rủi ro, Mỹ thể hiện sức mạnh số 1
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đêm qua (giờ Việt Nam) lên đỉnh lịch sử mới

Các doanh nghiệp như Pfizer và BioNTech đã báo cáo dữ liệu tích cực sớm về một ứng viên vaccine chung của cả hai. Bên cạnh đó, vaccine từ Đại học Oxford và AstraZeneca cũng cho thấy phản ứng miễn dịch tích cực.

Ở châu Âu, Công ty dược phẩm Synairgen của Anh cho hay thuốc điều trị Covid-19 mới đã làm giảm số bệnh nhân nhập viện vì nhiễm bệnh. Thông tin này lập tức kéo cổ phiếu Synairgen tăng hơn 350% trên thị trường châu Âu.

Các thông tin tích cực về phòng và chống SARS-CoV-2 đã giúp giới đầu tư thêm niềm tin vào các TTCK Mỹ. Các nhà đầu tư trên thế giới cũng đổ tiền vào chứng khoán Mỹ, đánh cược vào việc các nhà lập pháp sẽ có các biện pháp kích thích mới khi các gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng này sẽ hết hạn.

Mặc dù chứng khoán Mỹ liên tục gia tăng và lập đỉnh cao mới, nhưng diễn biến này là một nghịch lý. Nước Mỹ vẫn hứng chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch, suy thoái, hàng triệu người thất nghiệp và bất ổn xã hội. Tất cả đang diễn ra, nhưng nền kinh tế Mỹ được kích thích bằng những gói tiền lớn nên cơ hội hồi phục nhanh; thanh khoản lớn cũng giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.

Tuy nhiên, một số cảnh báo đưa ra rằng chứng khoán Mỹ có thể rớt 20-30% với rủi ro đến từ số ca nhiễm tăng vọt và căng thẳng Mỹ-Trung lên cao. Trên CNBC, đại diện Yardeni Research cho rằng chứng khoán không còn rẻ, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ dường như không xử lý tốt quá trình tái mở cửa kinh tế và giãn cách xã hội để giảm thiểu sự gia tăng về số ca nhiễm tại Mỹ.

Rủi ro bán tháo

Theo Yardeni, thông tin tích cực là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn dồn dập bơm tiền, bơm thanh khoản “khổng lồ” ra nền kinh tế. Kinh tế Mỹ vẫn phát ra những tín hiệu tích cực, một số dữ liệu vĩ mô ở mức mạnh đến bất ngờ và doanh số bán lẻ phục hồi rất tốt.

Rủi ro lớn nhất chính là Covid-19 và sự đảo ngược quá trình mở cửa kinh tế.

Trái ngược với thị trường Mỹ, chứng khoán Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn. Quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock (quản lý khoảng 7.300 tỷ USD tài sản) ồ ạt chốt lời, giảm bớt đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc và chuyển sang các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Nga và Mexico... BlackRock đánh giá những nền kinh tế mới nổi này có mức nợ bền vững, tỷ giá thả nổi và người dân đã quen ứng phó với cú sốc kinh tế.

Chứng khoán Trung Quốc đã tăng khoảng 40% từ đáy ghi nhận hôm 19.3 nhờ những tín hiệu phục hồi từ đại dịch và tác dụng từ truyền thông nhà nước khích lệ giới đầu tư đổ tiền vào TTCK.

Tuy nhiên, tốc độ tăng quá nhanh cùng với nhiều rủi ro đã khiến Bắc Kinh gần đây buộc phải có biện pháp hạ nhiệt sức nóng của TTCK.

Donald Trump đánh cược với rủi ro, Mỹ thể hiện sức mạnh số 1
Rủi ro lớn đối với các thị trường chứng khoán vẫn là đại dịch Covid-19 và quan hệ Mỹ-Trung

Tuần trước, cổ phiếu Trung Quốc chứng kiến những đợt bán tháo rất mạnh dù kinh tế phục hồi vượt kỳ vọng, với GDP quý II tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối ngoại đã bán gần 4 tỷ USD trong vòng 3 ngày cuối tuần qua sau khi vốn hóa của chứng khoán Trung Quốc lên gần đỉnh lịch sử: 10 nghìn tỷ USD.

Tính chung trong 3 phiên trước, vốn hóa TTCK đã bốc hơi hơn 700 tỷ USD. Nhiều người lo ngại con sóng thần quét bay 5.000 tỷ USD như 2015 trở lại.

Gần đây, chính quyền Trung Quốc thực sự lo ngại về khả năng TTCK hình thành một bong bóng mới và có khả năng giảm sâu. Truyền thông nước này liên tục cảnh báo các nhà đầu tư, trong khi đó các quỹ nhà nước Trung Quốc cũng bắt đầu bán ra mạnh.

Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu rút thanh khoản ra khỏi hệ thống tài chính, giảm đòn bẩy đầu tư cổ phiếu trên thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm còn do căng thẳng ngày càng leo thang với Mỹ. Bên cạnh đó, sự kiểm soát tiền rẻ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và sự suy giảm doanh số bán lẻ cũng tạo thêm lý do để nhà đầu tư bắt đầu xả hàng.

Sự tăng giá của cổ phiếu Trung Quốc được cho là quá nhanh. Nó trái ngược với những khó khăn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt như: đại dịch, thiên tai lũ lụt, quan hệ xấu đi với các nước, trong đó có Mỹ.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Donald Trump đánh cược với rủi ro, Mỹ thể hiện sức mạnh số 1