Động thái này của Fed lúc đầu nhận được sự phản ứng hào hứng của nhà đầu tư chứng khoán, nhưng sau đó đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang cố gắng ngăn chặn một sự sụt tốc của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ tư (18/9) trong trạng thái giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Động thái này của Fed lúc đầu nhận được sự phản ứng hào hứng của nhà đầu tư, nhưng sau đó đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang cố gắng ngăn chặn một sự sụt tốc của nền kinh tế.
Mối lo này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thô đi xuống, dù báo cáo thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 103,08 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 41.503,1 điểm. Ở thời điểm ngay sau khi quyết định lãi suất của Fed được công bố, chỉ số blue-chip này tăng tới 375,79 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,29%, còn 5.618,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,31%, còn 17.573,3 điểm. Cả hai thước đo này đều có lúc lập kỷ lục nội phiên trước khi để mất hết thành quả tăng đó và khép lại phiên giao dịch trong sắc đỏ.
Trong một động thái đã được thị trường dự trù từ trước, Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, về khoảng 4,75-5% từ mức 5,25-5,5% trước đó. Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng 4 năm trở lại đây, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đã xuống thang đáng kể sau khi lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ cách đây hơn 2 năm.
“Ủy ban đã có được sự tin tưởng lớn hơn rằng lạm phát đang di chuyển một cách bền vững về mục tiêu 2%, và đánh giá rằng rủi ro đối với việc đạt các mục tiêu lạm việc làm và lạm phát là cân bằng”, tuyên bố sau cuộc họp của Fed có đoạn viết.
Trước khi diễn ra cuộc họp này của Fed, thị trường lãi suất tương lai đã đặt cược lớn hơn vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì mức giảm truyền thống 0,25 điểm phần trăm. Cuối cùng, thị trường đã có được mức giảm lãi suất mà họ muốn, nhưng giá cổ phiếu ở Phố Wall lại không thể giữ được thành quả tăng.
“Quyết định giảm lãi suất mạnh tay 0,5 điểm phần trăm cho thấy Fed đã cảm thấy thoải mái về xu hướng giảm của lạm phát, rằng xu hướng này là bền vững. Trọng tâm của Fed bây giờ có thể đang dịch chuyển sang tránh gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế, việc xảy ra khi Fed giữ lãi suất quá cao quá lâu”, Giám đốc đầu tư Philip Straehl của công ty Morningstar Wealth nhận định với hãng tin CNBC.
Tai họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ra sức trấn an mối lo rằng Fed hạ lãi suất quyết liệt vì nhận thấy có vấn đề trong nền kinh tế. Ông phát tín hiệu rằng Fed chọn mức giảm lãi suất như vậy chẳng qua do lạm phát đã giảm nhiều.
“Tôi không thấy có điều gì trong nền kinh tế bây giờ phản ánh khả năng suy thoái gia tăng cả”, ông Powell nhấn mạnh.
Dù vậy, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn chuyển sang sắc đỏ về cuối phiên giao dịch. Một phần nguyên nhân của sự giảm điểm này có lẽ đến từ việc thị trường đã tăng điểm nhiều từ trước khi Fed chính thức hạ lãi suất. S&P 500 đã tăng gần 18% trong năm nay và tăng hơn 1% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở mức 73,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,28 USD/thùng, chốt ở 70,91 USD/thùng.
Động thái giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed khiến các nhà giao dịch trên thị trường dầu lửa lo ngại rằng Fed đang phản ứng với nguy cơ suy thoái kinh tế - kịch bản mà ở đó tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ chậm lại.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của nước này giảm 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/9, còn 417,5 triệu thùng, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây.
Dữ liệu về lượng dầu tồn trữ giảm có tác dụng hỗ trợ giá dầu nhưng không nhiều, bởi theo Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho - ông Bob Yawger, thị trường cho rằng sự suy giảm đó chẳng qua do ảnh hưởng của cơn bão Francine.
Tồn trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng nhẹ trong kỳ báo cáo.
Sau khi giảm xuống dưới mức 70 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021, vào hôm 10/9 giá dầu Brent đã phục hồi đáng kể. Mức 75 USD/thùng đang là một ngưỡng kháng cự mạnh đối với giá dầu Brent trong bối cảnh biên lợi nhuận của hoạt động lọc hóa dầu trên toàn cầu đang thấp - một dấu hiệu của sự suy yếu nhu cầu.
“Giai đoạn cao điểm của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong mùa hè đã đi qua, và sự dịch chuyển tiêu cực trong tâm lý của nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến giá dầu giảm. Dù vậy, rủi ro xung đột leo thang ở Trung Đông vẫn đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung” - chiến lược gia trưởng Mazen Salhab của BDSwiss nhận dịnh với hãng tin Reuters.
VN (theo VnEconomy)