Bạn tôi kể rằng ông có một người bạn không học hết cấp 3 do biếng lười. Anh này dối trá mượn bằng tốt nghiệp của người khác sửa thành tên mình, lập hồ sơ đi thi đại học.
Anh ta còn thuê người thi hộ và được trúng tuyển. Không học được, một lần nữa anh ta lại mua bằng giả tốt nghiệp đại học, làm một nấc thang để được cơ cấu vào một chiếc ghế cao hơn… Chuyện bị tố giác và sự dối trá của anh ta cứ vỡ ra từng mảng. Kết thúc câu chuyện, ông bạn tôi phán: Dối trá là đê hèn nhất!
Mùa thi năm nay đang đến rất gần, câu chuyện thi cử lại nóng lên. "Độ sôi" của vụ bê bối về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2018 vẫn chưa hạ xuống, khi có hàng loạt quan chức, nhà quản lý giáo dục liên đới. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu kỳ thi năm nay có thoát khỏi địa chấn ấy không?
Đã đi học là phải có thi. Thời đại nào cũng vậy. Mà thi cử, có người đỗ và kẻ trượt. Ấy là quy luật tự nhiên như trời đất có nắng có mưa. Từ xưa, ông cha ta vẫn thế. Ví như khoa thi năm 1514 đời Lê, có 5.700 thí sinh, khi xướng danh thấy có 43người trúng cách. Lại có khoa thi triều đình chỉ lấy đỗ có 4-5 người.
Lứa tuổi chúng tôi, những năm 1965-1966, một lớp học 45 người, qua kỳ thi chỉ có 35 người được cấp bằng tốt nghiệp. Quan niệm của chúng tôi ngày ấy, suy cho cùng tấm bằng tốt nghiệp THPT cũng chỉ là một trong nhiều vạch vôi đánh dấu trên cả chặng đường đi của đời người. Quyết không phải chưa có bằng tốt nghiệp là bị gục ngã trên chặng đường đời đi lên. Những ai trượt tốt nghiệp năm ấy, họ vẫn học, học bằng nhiều cách, ở nhiều điều kiện khác nhau để đi lên. Sau 50 năm gặp lại nhau, họ mừng tủi kể lại cuộc đời. Hóa ra tất cả đều thành đạt, đi trên đôi chân của mình. Có vị là tiến sĩ khoa học, là nhà ngoại giao, nhà giáo, là tổng giám đốc doanh nghiệp... Họ kể cho nhau nghe khi ra trường, ngôi trường chỉ là kỷ niệm ở phía sau. Không có ai quay lại xin điểm, chữa điểm, chạy chọt, nhờ vả hay tìm chỗ chống lưng...
Thời nay, việc đi học thấy phức tạp và kỳ lạ. Gia đình, cha mẹ không chú ý tới sức phấn đấu bền dai của con người, sự tu dưỡng rèn luyện của con em mình. Người ta đề cao học vì điểm, học lấy thành tích. Để đạt mục tiêu ấy, người ta thực hiện bằng mọi giá. Nhờ vả mối quan hệ, dùng tiền chạy điểm, nâng điểm, dẫn đến vi phạm pháp luật. Xã hội thì coi trọng thành tích thái quá. Tỉnh này, trường này có tỷ lệ học trò đỗ tốt nghiệp cao là biểu dương, tuyên dương. Nhưng chưa thấy khi phát hiện trường nào, tỉnh nào có những con sâu mọt đục phá nền thi cử nước nhà thì những nhà lãnh đạo địa phương đó bị lên án, cách chức.
Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2018 đạt 97,57%. Có người bảo rằng: Nhà nước tổ chức kỳ thi quốc gia rất tốn kém, chỉ loại được hơn 2% số học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp? Có cách nào đánh giá tốt hơn mà chống tiêu cực tốt hơn không?
Có một thực tế, ở nước ta học trò thi tốt nghiệp loại giỏi ra cuộc đời chưa hẳn đã giỏi. Ngược lại, người thi trượt không hẳn là họ kém. Thi tốt nghiệp thời nay chủ yếu đánh giá bằng trí nhớ. Ai thuộc bài, nhớ dai, khi làm bài sẽ có điểm cao (từ đó mới phát sinh các tệ nạn thi cử). Nhưng khi ra đời, những ai có năng lực và phẩm chất mới trở thành những người thành đạt. Rất nhiều tấm gương đang xác định điều ấy.
Đi học, cốt nhất là thực học. Sở học của mình đến đâu sử dụng đến đó, nhưng trên thực tế, nạn học giả, bằng giả, chất lượng giả đã hoành hành trong cuộc sống, khiến cho xã hội nhức nhối. Và cốc nước tràn ly là vụ bê bối về kết quả thi cử năm 2018 ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang như dư luận đã nêu.
Cần có bài toán, lời giải về sự thi cử trong kỳ thi sắp tới. Nhà nước có giải pháp sao cho có thể đột phá trong lĩnh vực rất nhạy cảm này.
THIÊN GIA TRANG