Hạn chế “cho không” đối với nhóm người nghèo có sức khỏe tốt

09/07/2019 10:47

Sáng 9.7, HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh

Người nghèo được quan tâm

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thông qua 3 dự án và 8 chính sách hỗ trợ. 

Dự án “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình” với kinh phí 3,711 tỷ đồng giúp công tác tuyên truyền, tập huấn được quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 - 2018, toàn tỉnh tổ chức tập huấn 36 lớp cho 7.800 lượt thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã; các trưởng, phó thôn, khu dân cư...  

Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135” với nkinh phí 784 triệu đồng, đã triển khai xây dựng 3 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho 144 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia; tổ chức các lớp hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo. Người nghèo, hộ nghèo đã được tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận với các kiến thức, khoa học, kỹ thuật, từng bước giúp người nghèo cải thiện đời sống. 

Đối với dự án "Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”: Từ năm 2016, tỉnh đã tổ chức hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất cho 68.504 hộ nghèo, cận nghèo. Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, truyền thông cho 1.250 lượt cán bộ truyền thông cấp huyện, cấp xã; xuất bản các tài liệu thông tin tuyên truyền về chính sách giảm nghèo của Nhà nước và của tỉnh; thông tin các văn bản liên quan đến công tác giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chính sách hỗ trợ y tế giúp người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh. Trong 3 năm 2016-2018, toàn tỉnh đã cấp thẻ BHYT cho 142.595 lượt người nghèo, 177.742 lượt người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền 207,742 tỷ đồng; hỗ trợ 155 lượt người nghèo khám chữa bệnh với số tiền 99,7 triệu đồng... Có 7.730 lượt người thuộc diện đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí với số tiền 824 triệu đồng.

Với chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, ngân sách tỉnh đã cấp bù học phí cho 49.260 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 44,251 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí học tập cho 45.991 lượt học sinh với tổng số tiền 41,392 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo được thực hiện theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đến năm 2020”, trong đó ưu tiên các đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, người cận nghèo. Đề án đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo.

Với chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 473 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở với số tiền 5 triệu đồng/hộ, tổng kinh phí 2,365 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ các cấp đã cùng các đoàn thể chính trị - xã hội vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng mới 625 ngôi nhà đại đoàn kết với kinh phí 27,727 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 69 ngôi nhà cho hộ nghèo với số tiền 919 triệu đồng... Toàn tỉnh đã có trên 90.560 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí 54,454 tỷ đồng...

Trong 3 năm 2016-2018, ngân sách chi 4.011,5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh có 31.720 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,19% (cuối năm 2015) xuống còn 2,53% (cuối năm 2018); 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% (cuối năm 2015), đến nay đã có 40 xã hoàn thành vượt chỉ tiêu, mỗi năm giảm bình quân trên 2%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,27% (cuối năm 2015) xuống 3,2% (cuối năm 2018), giảm 1,07%...

Có tình trạng lợi dụng chính sách 

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp chưa thường xuyên. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số chính quyền địa phương còn ít. Sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ để tích hợp thực hiện các nội dung của chương trình. Công tác điều tra, rà soát, xét duyệt hộ nghèo ở một số địa phương chưa bảo đảm quy trình dẫn đến tình trạng sai, sót hộ nghèo. Có hiện tượng tách hộ cho bố mẹ già để lợi dụng chế độ chính sách hộ nghèo...

Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” mới triển khai ở diện rất hẹp với 144 hộ tham gia. Do đó, chưa đánh giá được hiệu quả sau khi triển khai các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở triển khai chậm so với kế hoạch. Hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 5 triệu đồng/hộ làm nhà ở đạt kết quả thấp. Năm 2016, có 7 huyện, thành phố được hỗ trợ; năm 2017 có 5 huyện, thành phố được hỗ trợ; rnăm 2018 không có địa phương nào được hỗ trợ. 

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra ở những hộ vừa thoát nghè. Trong 3 năm 2016 - 2018, phát sinh 5.558 hộ nghèo, 16.246 hộ cận nghèo mới. Hai xã Quang Hưng (Ninh Giang), Tiền Phong (Thanh Miện) có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10%, không hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo trên 2%/năm...

Tránh việc trông chờ ỷ lại

Để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh thật sự hiệu quả, đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hạn chế “cho không” đối với nhóm đối tượng có sức khỏe, tránh việc trông chờ ỷ lại của người dân. Các chính sách hỗ trợ cần có điều kiện, tạo tiền đề giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, nghiên cứu tích hợp các chính sách giảm nghèo bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi thực hiện. Rà soát cơ chế hoạt động của quỹ khám chữa bệnh người nghèo, tạo hành lang thuận tiện cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người nghèo khi điều trị tại các cơ sở y tế.

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác giảm nghèo. Tạo cơ chế phối hợp lồng ghép giữa nguồn vận động với đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, đánh giá cụ thể từng đối tượng nghèo thiếu hụt các tiêu chí, phân tích nguyên nhân nghèo để có giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bao tiêu nông sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các mô hình giảm nghèo tốt và gương người nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo. 

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn thể đoàn viên, hội viên và đông đảo nhân dân tích cực chung sức tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ, xây dựng quỹ “Vì người nghèo” các cấp; vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp nguồn lực hỗ trợ người nghèo.

UBND các huyện, thành phố tìm ra mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhân rộng đến các đối tượng từ hộ nghèo, cận nghèo và người dân góp phần phát triển kinh tế bền vững. Chỉ đạo bình xét hộ nghèo đúng quy định, phân loại đối tượng hộ nghèo để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả, chống tái nghèo. Sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trục lợi chính sách, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại...

ST - TC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế “cho không” đối với nhóm người nghèo có sức khỏe tốt